Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Tư tưởng HCM- nguồn gốc TT HCM


I.           sádfddfsasfMở bài.
      Hồ Chí Minh không chỉ là một vị anh hùng lỗi lạc của dân tộc, mà còn là một nhà tư tưởng lớn của cách mạng Việt Nam. Người sinh ra và lớn lên trong một gia đình sĩ phu yêu nước, ở quê hương giàu truyền thống cách mạng, trong một đất nước sớm định hình là một quốc gia dân tộc có chủ quyền lâu đời, trong đó tinh thần yêu nước là dòng chảy chủ yếu xuyên suốt chiều dài lịch sử. Tư tưởng Hồ Chí Minh mang đậm văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam, kết hợp có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, cùng với Chủ nghĩa Mác- Lê nin,cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của tư tưởng Hồ Chí Minh, và phẩm chất cá nhân con người Hồ Chí Minh.
II. Nội dung
1. Nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh
1.1. Những giá trị truyền thống dân tộc
  Nói đến nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh xét trên phương diện lý luận trước hết phải kể đến những giá trị truyền thống của dân tộc. Những giá trị đó bao gồm:
           Truyền thống yêu nước và ý chí bất khuất đấu tranh để dựng nước và giữ nước. Truyền thống yêu nước theo suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam- một dân tộc luôn luôn phải đương đầu với nạn ngoại xâm, nó gắn kết mọi tâm hồn yêu nước để tạo nên sức mạnh, gúp dân tộc ta giành thắng lợi trong những cuộc chiến chống giặc ngoại xâm.
        Lòng yêu nước là điểm tương đồng lớn nhất của mọi người dân Việt Nam, là điều cốt lõi nhất, là chuẩn mực cao nhất đứng đầu giá trị văn hóa tinh thần Việt Nam. Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc, Hồ Chí Minh trở thành nhà ái quốc vĩ đại. Người luôn khẳng định truyền thống yêu nước là một thứ vốn quý. “ Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng,thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” và bản thân người thì khẳng định “ Tôi luôn luôn là một người yêu nước, tranh đấu cho độc lập và thống nhất thực sự của tổ quốc tôi” và “ tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”.
      Tinh thần nhân nghĩa, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” trong hoạn nạn khó khăn. Truyền thống này hình thành từ khi hình thành dân tộc Việt. Đoàn kết trong lao động sản xuất, trong thiên tai hoạn nạn, trong chiến đấu chống lại những thế lực ngoại bang xâm lược bờ cõi. Đó là tình làng nghĩa xóm gắn bó keo sơn qua bao thế hệ “tối lửa tắt đèn có nhau”. Hồ Chí Minh đã kế thừa, phát huy sức mạnh của truyền thống nhân nghĩa, nhấn mạnh bốn chữ “đồng” ( đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh).
      Truyền thống lạc quan yêu đời, có niềm tin vào sức mạnh của bản thân, vào chính nghĩa và sự tất thắng của sức mạnh đó mặc dù trước mắt còn đầy gian truân, khổ ải phải chịu đựng và vượt qua và Hồ Chí Minh chính là hiện thân của truyền thống lạc quan đó “ Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”, “Nam bắc thi đua đánh giặc Mỹ- Tiến lên toàn thắng ắt về ta”.
      Dân tộc Việt Nam là một dân tộc cần cù, dũng cảm, thông minh, sáng tạo trong sản xuất và chiến đấu lại ham học hỏi và biết chắt lọc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trên cơ sở giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc. Hồ Chí Minh là hình ảnh sinh động và trọn vẹn của truyền thống đó.
    1.2. Tinh hoa văn hóa nhân loại
    Các nền văn hóa nhân loại có tầm ảnh hưởng lớn đối với Hồ Chí Minh. Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, với tư chất thông minh tuyệt vời, từ nhỏ, Hồ Chí Minh đã được giáo dục Hán học và đã tiếp thu nền văn hóa phương Tây tại trường Quốc học Huế. Khi bôn ba khắp năm châu, bốn bể, Người vừa hoạt động cách mạng, vừa học hỏi không ngừng. Người đã thông thạo các ngôn ngữ tiêu biểu cho nền văn minh của nhân loại, am tường các nền văn hóa Đông, Tây, kim, cổ. Khi tiếp thu các nền văn hóa, Người bao giờ cũng phân tích các yếu tố có giá trị toàn nhân loại và vĩnh cửu. Người đã làm giàu trí tuệ của mình bằng tinh hoa văn hóa nhân loại. Người là tượng trưng cho sự kết hợp hài hòa giữa các nền văn hóa và tỏa ra một nền văn hóa của tương lai.
    Tiếp thu văn hóa phương Đông: Những ảnh hưởng, tác động của Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo đến quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh có cả những yếu tố duy tâm, lạc hậu và những yếu tố duy vật tích cực. Song người đã phê phán gạt bỏ những hạn chế và tiếp thu những yếu tố tích cực của văn hóa nhân loại ấy.
        Trước hết là Nho giáo, Hồ Chí Minh đã đánh giá đúng đắn vai trò của Nho giáo và đặc biệt khai thác những mặt tích cực của tư tưởng Nho giáo. Hơn ai hết, Hồ Chí Minh hiểu rõ những mặt bất cập, hạn chế của Nho giáo. Đó là trong Nho giáo có những yếu tố duy tâm, lạc hậu, phản động như tư tưởng đẳng cấp, khinh lao động chân tay, khinh phụ nữ, khinh thường thực nghiệm, doanh lợi…Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cũng thấy được những mặt tích cực của nó và khuyên chúng ta “nên học”. Theo Người, mặt tích cực của Nho giáo là mặt triết lí hành động, tư tưởng về nhập thế, hành đạo, giúp đời, triết lí nhân sinh, lấy tu thân làm gốc, lấy hành động để lập thân và có lí tưởng về một xã hội bình trị, thế giới đại đồng. Nho giáo còn đề cao văn hóa và tạo ra truyền thống hiếu học trong xã hội. Hồ Chí Minh đã khai thác Nho giáo, lựa chọn những yếu tố tích cực, phù hợp để phục vụ cho nhiệm vụ cách mạng.
        Tiếp thu mặt tích cực của Phật giáo, đó là tư tưởng vị tha, từ bi, bác ái, cứu khổ cứu nạn, thương người, là nếp sống đạo đức, trong sạch, giản dị, chăm lo làm điều thiện, có tinh thần bình đẳng, dân chủ chất phác chống lại mọi sự phân biệt đẳng cấp, đề cao lao động, chống lười biếng…
         Ngoài ra, còn có thể tìm thấy nhiều trích dẫn khác nữa về các nhà tư tưởng phương Đông như Lão Tử, Mặc Tử, chủ nghĩa Tam Dân,…để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Trong đó các bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh. Cũng như sau này, khi đã trở thành người mác-xít, Nguyễn Ái Quốc vẫn tìm hiểu thêm về Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn và tìm thấy trong đó “những điều thích hợp với điều kiện nước ta”. Các tiêu chí của chủ nghĩa Tam dân là dân tộc - độc lập; dân quyền - tự do; dân sinh - hạnh phúc đã được Hồ Chí Minh rút gọn trong quốc hiệu của Việt Nam “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Là người mác-xít tỉnh táo và sáng suốt, Hồ Chí Minh đã biết khai thác những yếu tố tích cực của tư tưởng và văn hóa phương Đông để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng nước ta.
      Tiếp thu tư tưởng văn hóa phương Tây: Trong ba mươi năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Hồ Chí Minh sống chủ yếu ở châu Âu nên cũng chịu ảnh hưởng rất sâu rộng của nền văn hóa dân chủ và cách mạng của phương Tây
     Trên đường tìm đường cứu nước, Người đã đi qua hầu hết các châu lục và từng sống ở Mỹ, Anh, Pháp và hơn hết là những năm tháng sống ở Pháp. Người thường nhắc đến ý chí đấu tranh cho tự do, độc lập, cho quyền sống của con người được ghi lại trong Tuyên ngôn độc lập 1776 của nước Mỹ. Người đã tiếp thu giá trị của tư tưởng nhân quyền với nội dung là quyền tự do cá nhân thiêng liêng trong bản tuyên ngôn này. Sau này Người đã phát triển nó thành quyền sống, quyền độc lập, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của tất cả các dân tộc. Nội dung nhân quyền được Người nâng lên một tầm cỡ mới trong Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam năm 1945.
      Cuối năm 1917, Người từ Anh sang Pháp và quyết định sống và hoạt động ở thủ đô nước Pháp có ý nghĩa lịch sử rất lớn, mở ra một thời kỳ mới trong cuộc đời mình.
      Nhờ được rèn luyện trong phong trào công nhân Pháp và sự cổ vũ, dìu dắt trực tiếp của nhiều nhà cách mạng và trí thức tiến bộ Pháp như M. Ca-sanh, P.V. Cu-tuya-ri-ê, G. Mông-mút-xô…mà Hồ Chí Minh đã từng bước trưởng thành. Con người ấy, trên hành trình cứu nước, đã làm giàu trí tuệ của mình bằng vốn trí tuệ của thời đại, Đông và Tây, vừa thâu thái, vừa gạn lọc để có thể từ tầm cao của tri thức nhân loại mà suy nghĩ và lựa chọn, kế thừa và đổi mới, vận dụng để phát triển hệ tư tưởng của mình.
     Như vậy, Hồ Chí Minh tiếp thu các tinh hoa văn hóa nhân loại một cách có chọn lọc rồi vận dụng tinh hoa đó một cách đúng đắn vào những điều kiện cụ thể của đất nước, của dân tộc mình. Nhờ quá trình học hỏi và rèn luyện không mệt mỏi, Hồ Chí Minh đã làm giàu trí tuệ của mình bằng vốn trí tuệ nhân loại, hình thành và phát triển hệ tư tưởng của mình.
      1.3. Chủ nghĩa Mác- Lênin       
      Tư tưởng Hồ Chí Minh thuộc hệ tư tưởng Mác-Lênin, hay nói cách khác chủ nghĩa Mác-Lênin là cơ sở thế giới quan và phương pháp luận của tư tưởng Hồ Chí minh. Chủ nghĩa Mác-Lênin là nguồn gốc lý luận trực tiếp quyết định bản chất tư tưởng Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh khẳng định:“Chủ nghĩa Mác- Lênin đối với chúng ta,những người cách mạng và nhân dân Việt nam, không những là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.
 Tìm hiểu con đường Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác-Lênin có những đặc điểm chủ yếu sau:
  Thứ nhất: Hành trang tư tưởng khi ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành là lòng yêu nước cháy bỏng với một vốn học vấn chắc chắn, năng lực trí tuệ sắc sảo. Quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã hoàn thiện cho mình một vốn văn hóa,vốn chính trị và vốn sống thực tiễn phong phú tạo thành một bản lĩnh trí tuệ mà không một nhà cách mạng trẻ tuổi Việt Nam nào vào thời ấy có thể so sánh được. Cái bản lĩnh đó đã nâng cao khả năng độc lập, tự chủ và sáng tạo ở người khi tiếp thu và vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin để không rơi vào sao chép, giáo điều, rập khuôn mà tiếp thu và vận dụng có chọn lọc, sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của Việt Nam trong suốt giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX,khi mà phong trào yêu nước chống thực dân Pháp với đường lối quân chủ hay dân chủ, cách mạng hay cải lương của các sĩ phu yêu nước đều không thể đáp ứng được thực tiễn giải phóng dân tộc.
   Thứ hai: Không giống với các nhà yêu nước cách mạng Việt Nam tiền bối, ở Nguyễn Tất Thành đã có sự thống nhất giữa mục đích và phương pháp ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Nếu như Phan Bội Châu chủ trương dựa vào sự giúp đỡ bên ngoài, chủ yếu là Nhật Bản, để đánh Pháp giành độc lập dân tộc, thiết lập một nhà nước theo mô hình quân chủ lập hiến của Nhật còn Phan Châu Trinh chủ trương dùng những cải cách văn hóa, mở mang dân trí, nâng cao dân khí, phát triển kinh tế theo hướng tư bản chủ nghĩa trong khuôn khổ hợp pháp, làm cho dân giàu, nước mạnh, buộc thực dân Pháp phải trao trả độc lập cho nước Việt Nam. Còn Nguyễn Ái Quốc thì lại đi xuyên qua phong trào quần chúng, đi vào trong cuộc sống của những người dân bị áp bức, bóc lột, trà đạp. Hay đối tượng mà người tiếp xúc là những con người thuộc tầng lớp bên dưới của xã hội, còn các bậc tiền bối đi trước thì phương pháp đi của họ lại là tiếp cận với những tầng lớp bên trên xã hội. Nhờ đó đã giúp người rút ra những kết luận rất gần gũi với tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin.
            Thứ ba:khác với các nhà tri thức tư sản phương Tây đến với chủ nghĩa Mác –Lênin chủ yếu như đến với một học thuyết nhằm giải quyết những vấn đề tư duy hơn hành động, Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác-Lênin là để tìm kim chỉ nam cho sự nghiệp cứu nước giải phóng dân tộc, tức là từ nhu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Theo như người đã viết: “Lúc đầu chính là chủ nghĩa yêu nước,chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin,tin theo quốc tế thứ ba”. Tuy lúc đó đã là một đảng viên xã hội,nhưng căn bản lúc đó Nguyễn Ái Quốc vẫn là một người dân mất nước, đang khao khát đi tìm độc lập tự do cho dân tộc mình và các dân tộc bị áp bức khác. Tác phẩm của Lênin đã chỉ ra mối quan hệ gắn bó thống nhất giữa sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản với sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa. Nhờ Lênin người đã tìm thấy “con đường giải phóng chúng ta” và từ Lênin người đã trở lại nghiên cứu Mác sâu hơn.       
           Thứ tư: khác với nhiều nhà cách mạng trên thế giới, Nguyễn Ái Quốc tiếp thu chủ nghĩa Mác –Lênin theo phương pháp  nhận thức Mác xít và theo cách “Đắc ý vong ngôn” tức là cốt nắm lấy cái tinh thần cái cốt yếu, cái bản chất và vận dụng sáng tạo lập trường quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác-Lênin để hoạch định đường lối chủ trương giải pháp và những đối sách phù hợp cho cách mạng Việt Nam. Như vậy, sự kết hợp cả hai phương pháp Đông –Tây với thực tiễn cách mạng Việt Nam đã trở thành điểm đặc trưng riêng có của Hồ Chí Minh trong quá trình phát triển nhận thức, tư tưởng của mình.
        Có thể nói, chủ nghĩa Mác- Lênin chính là nguồn gốc quan trọng nhất trong việc hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh.
1.4. Những phẩm chất cá nhân của Hồ Chí Minh.
     Có thể nói rằng, để hình thành nên tầm tư tưởng vĩ đại như Hồ Chí Minh, đó là sự kết hợp khéo léo của nhiều yếu tố. Ta đề cao những yếu tố khách quan hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời cũng không thể phủ nhận yếu tố chủ quan hình thành nên tầm tư tưởng vĩ đại này. Nó có vai trò quan trọng trong việc hình thành, phát triển tư tưởng của Người, giúp Người hiểu rõ bản chất của những vấn đề trong thực tại, tiên đoán chính xác những gì sẽ xảy đến trong tương lai. Đó chính là những phẩm chất cá nhân của Hồ Chí Minh- một trong những nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh.
     Nhắc tới phẩm chất cá nhân của Người, trước hết ta phải kể đến khả năng tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo và luôn sáng suốt trong mọi hoàn cảnh. Với khả năng nghiên cứu, phê phán tinh tường, Người đã đánh giá đúng bản chất của cuộc cách mạng tư sản, không bị vẻ ngoài của nó đánh lừa.
    Bên cạnh đó, với sự khổ công học tập và rèn luyện để chiếm lĩnh vốn tri thức phong phú của thời đại, tiếp thu những kinh nghiệm đấu tranh của các phong trào giải phóng dân tộc trong và ngoài nước để có thể từng bước tiếp cận với chủ nghĩa Mác- Lênin.
    Cuối cùng, có thể khẳng định: Tâm hồn của một nhà yêu nước vĩ đại, lý tưởng của một chiến sĩ cộng sản, trái tim nhân hậu, yêu nước thương nòi, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì độc lập của dân tộc, ấm no, hạnh phúc của nhân dân đã tạo nên phẩm chất cá nhân vĩ đại của Hồ Chí Minh.
  

2. Đánh giá, nhận xét về nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh
        Như vậy nguồn gốc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh gồm bốn yếu tố cơ bản: Những giá trị truyền thống dân tộc; tinh hoa văn hoá nhân loại; chủ nghĩa Mac-Lênin và một phẩm chất cá nhân tuyệt vời. Con đường hình thành tư tưởng của Người hoàn toàn khác biệt với các bậc vĩ nhân tiền bối như: C. Mác, Ănghen, Lênin. Trong khi C. Mác và Lênin chỉ nghiên cứu thực tiễn ở các nước tư bản phương Tây để làm cơ sở cho học thuyết lý luận của mình, thì ở Người nổi nên một nét khác biệt rất đặc trưng. Tư tưởng của Người là sự kết hợp những giá trị phương Đông và phương Tây, Người đồng thời nghiên cứu thực tiễn ở cả các nước phương Đông và phương Tây để làm tiền đề cho việc hoàn thiện lý luận cách mạng giải dân tộc của mình và bổ sung cho chủ nghĩa Mac - Lênin. Người đã có nhiều bổ sung về mặt lý luận cho chủ nghĩa Mác - Lênin như: luận điểm cách mạng giải phóng dân tộc cần được tiến hành chủ động sáng tạo và có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam....
III. Kết bài.
        Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của sự tổng hòa và phát triển biện chứng tư tưởng văn hóa truyền thống của dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại với chủ nghĩa Mác-Lenin làm nền tảng, cùng với thực tiễn của dân tộc và thời đại qua sự tiếp biến và phát triển của Hồ Chí Minh- một con người có tư duy, có phương pháp biện chứng, có nhân cách, phẩm chất cách mạng cao đẹp tạo nên. Tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng Việt Nam hiện đại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét