Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Tài chính cá nhân 1 - ĐỀ TÀI 13: Nêu và phân tích quy định của pháp luật hiện hành về phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách ở địa phương. Em cho biết vì sao pháp luật hiện hành quy định toàn bộ các khoản thu từ đất thuộc về ngân sách địa phương?


Ở nước ta việc tổ chức hệ thống ngân sách dựa vào hệ thống các đơn vị hành chính, bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, ngân sách địa phương bao gồm ngân sách của đơn vị hành chính các cấp có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân. Giữa các câp ngân sách có sự phân phối nguồn thu và nhiệm vụ chi một cách cụ thể đó là sự phân chia giữa ngân sách trung ương với ngân sách địa phương và sự phân chia giữa các cấp ngân sách ở địa phương.
* Quy định của pháp luật hiện hành về phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách ở địa phương:
Việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho NS các địa phương quy định trong Luật ngân sách nhà nước hiện hành dựa trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản trong phân cấp quản lý ngân sách nhà nước được quy định tại khoản 2 điều 4 và điều 34 Luật ngân sách nhà nước 2002 và cụ thể hoá trong điều 6, điều 23, điều 25 Nghị định 60/2003/ NĐ-CP .
- Phân cấp quản lý ngân sách nhà nước phải bảo đảm nguyên tắc:
1. Phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của Nhà nước và năng lực quản lý của mỗi cấp trên địa bàn;
2. Ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được phân định nguồn thu, nhiệm vụ chi cụ thể:
a) Ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chiến lược, quan trọng của quốc gia như: các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có tác động đến cả nước hoặc nhiều địa phương, các chương trình, dự án quốc gia, các chính sách xã hội quan trọng, điều phối hoạt động kinh tế vĩ mô của đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hỗ trợ những địa phương chưa cân đối được thu, chi ngân sách;
b) Ngân sách địa phương được phân cấp nguồn thu bảo đảm chủ động thực hiện những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trong phạm vi quản lý;
3. Việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, thời gian thực hiện phân cấp này phải phù hợp với thời kỳ ổn định ngân sách ở địa phương; cấp xã được tăng cường nguồn thu, phương tiện và cán bộ quản lý tài chính - ngân sách để quản lý tốt, có hiệu quả các nguồn lực tài chính trên địa bàn được phân cấp;
4. Kết thúc mỗi kỳ ổn định ngân sách, căn cứ vào khả năng nguồn thu và nhiệm vụ chi của từng cấp, theo thẩm quyền quy định tại các Điều 15, 16 và 25 của Luật Ngân sách nhà nước, Quốc hội, Hội đồng nhân dân điều chỉnh mức bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc điều chỉnh tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp.
- Việc phân phối nguồn thu cho từng cấp ngân sách ở địa phương do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Tại Điều 34 Luật ngân sách nhà nước năm 2002 đề ra bốn nguyên tắc pháp lý định hướng quyết định phân phối thu chi của Hội đồng nhân dân:
Thứ nhất, việc phân bổ nguồn thu và nhiệm vụ chi cho từng ngân sách địa phương phải phù hợp với phân cấp nhiệm vụ kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh và phù hợp với đặc điểm của từng vùng cũng như với trình độ quản lý của từng địa phương. Gắn với nhiệm vụ và khả năng quản lý của từng cấp, hạn chế việc bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới; khuyến khích các cấp tăng cường quản lý thu, chống thất thu; hạn chế phân chia các nguồn thu có quy mô nhỏ cho nhiều cấp.
Thứ hai, việc phân chia nguồn thu cho ngân sách cấp xã phải thỏa mãn tỷ lệ tối thiểu mà pháp luật quy định. Ngân sách xã, thị trấn được hưởng tối thiểu 70% đối với các khoản thu sau: thuế chuyển quyền sử dụng đất; thuế nhà, đất; thuế môn bài thu từ cá nhân, hộ kinh doanh; thuế sử dụng đất nông nghiệp thu từ hộ gia đình; lệ phí trước bạ nhà, đất.
Thứ ba, khi quyết định tỉ lệ phần trăm chia các khoản thu giữa các cấp chính quyền địa phương, hội đồng nhân dân tỉnh phải căn cứ vào tỉ lệ phần trăm  phân chia các khoản thu do Thủ tướng Chính phủ giao và các nguồn thu ngân sách dịa phương được hưởng toàn bộ.
Thứ tư, ngân sách thị xã, thành phố thuộc tỉnh được hưởng tối thiểu 50% khoản thu lệ phí trước bạ, không kể lệ phí trước bạ nhà, đất.
Phân cấp nhiệm vụ chi cho ngân sách các cấp chính quyền địa phương phải bảo đảm các yêu cầu sau:
- Phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đối với từng lĩnh vực và đặc điểm kinh tế, địa lý, dân cư từng vùng và trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, bảo đảm hiệu quả;
- Phải phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư xây dựng các trường phổ thông quốc lập các cấp, điện chiếu sáng, cấp thoát nước, giao thông đô thị, vệ sinh đô thị và các công trình phúc lợi công cộng khác cho thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
Ngoài các khoản thu được phân cấp trên, chính quyền cấp xã, thành phố thuộc tỉnh được huy độn sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng theo nguyên tắc tự nguyện. Việc huy động, quản lý, sử dụng khoản đống góp này phải đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.
* Pháp luật hiện hành quy định toàn bộ các khoản thu từ đất thuộc về ngân sách địa phương, bởi vì:
- Các khoản thu liên quan đến đất là nguồn thu nhỏ, lẻ phát sinh tương đối đều ở các địa phương. Tại Điều 22 Luật ngân sách nhà nước quy định những nguồn thu của ngân sách địa phương hưởng 100% chủ yếu là những khoản thuế liên quan đến đất đai như: thuế nhà, đất; thuế tài nguyên; thuế chuyển quyền sử dụng đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp…
- Việc quản lý đất đai gắn với trách nhiệm quản lý trực tiếp của các cấp chính quyền địa phương. Nếu địa phương quản lý tốt thì khoản thu này sẽ lớn hơn rất nhiều nếu thực hiện quyết liệt việc kinh tế hóa đất đai đi kèm với việc thắt chặt quản lý nhà nước. Nhóm giải pháp liên quan đến quy hoạch như: việc giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhóm giải pháp về quản lý đất đai như: Quy định cụ thể việc thu tiền sử dụng đất khi cấp GCNQSDĐ, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sử dụng đất. Ngược lại, nếu quản lý yếu kém thì nguồn thu ngân sách địa phương giảm.
- Đồng thời, cho ngân sách địa phương hưởng toàn bộ nguồn thu liên quan từ đất nhằm khuyến khích địa phương chăm lo phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng ở địa phương.
Do đó, Luật ngân sách nhà nước năm 2002 quy định toàn bộ các khoản thu từ đất thuộc về ngân sách địa phương hưởng 100%.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét