Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Hình sự cá nhân 2- A, B và C hiếp dâm, xác định tội danh, vấn đề đồng phạm


Bài 6
 Nguyễn Thị V cùng một số người bạn là A, B và C (đều là nam giới) tập trung ăn nhậu tại một lán nhỏ dựng bên bờ ao. Sau vài giờ trò chuyện và 4 người uống hết 3 lít rượu thì V đã choáng váng say, buồn nôn nên loạng choạng đi ra ngoài. Thấy V bước liêu xiêu, A cũng loạng choạng đi theo dìu V cho khỏi ngã. Hai người lại dìu nhau đến một cái lán khác cách đó vài chục mét để V nằm nghỉ. Tại đây, V say rượu không biết gì nữa, còn A cũng trong tình trạng chếnh choáng nên nổi dục vọng và giao cấu với V. Sau đó A nằm ngủ cạnh V. Khi B và C lảo đảo đi ngang qua thấy V không mảnh vải trên người nên đã thay nhau giao cấu với V . Vụ án sau đó được phát hiện.
            HỎI:
1. Hãy xác định tội danh cho hành vi của A, B và C? Nêu căn cứ pháp lý (1 điểm)
2. Trường hợp cố ý phạm tội của A, B và C có là đồng phạm không? Tại sao (2 điểm)
3. Việc phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu của A, B, C có được coi là tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ TNHS không?(2 điểm)
4. Giả thiết rằng V đang có thai ở tháng thứ 2 thì A, B và C có phải chịu TNHS về tình tiết tăng nặng “phạm tội đối với phụ nữ có thai” qui định tại điểm h khoản 1 Điều 48 BLHS không? Tại sao (2 điểm)

BÀI LÀM
          Tội phạm có nhiều loại khác nhau. Mỗi loại tội phạm khi xảy ra trong thực tế lại có tính chất và mức độ nguy hiểm nhất định cho xã hội.  Xuất phát từ yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, Bộ luật Hình sự (sau đây gọi là BLHS) đã có  những quy định cụ thể với những chế tài rất nghiêm khắc. Tuy nhiên, không phải vụ việc nào cũng được xác định đúng người đúng tội. Cùng một hành vi phạm tội, có thể có nhiều ý kiến về tội danh. Tình huống trong Bài tập 6 cũng là một trường hợp như thế.

1.Xác định tội danh cho hành vi của A, B, C. Nêu căn cứ pháp lý.
         _*) Các căn cứ để xác định tội phạm hay còn gọi là các yếu tố cấu thành tội phạm hoặc là các cấu thành bắt buộc của tội phạm. Các yếu tố cấu thành đó là:
         Một là, mặt chủ thể của tội phạm: Là con người cụ thể, đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và là người có năng lực trách nhiệm hình sự. Hai là, mặt chủ quan của tội phạm: Là động cơ, mục đích thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Và là lỗi khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật (bao gồm lỗi cố ý và lỗi vô ý). Ba là, mặt khách thể của tội phạm: Là quan hệ xã hội mà Bộ luật Hình sự có nhiệm vụ bảo vệ. Bốn là, mặt khách quan của tội phạm: Là các hành vi của chủ thể, biểu hiện ra bên ngoài trong quá trình thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Các hành vi này, có thể là bằng hành động nhưng cũng có thể là bằng không hành động.
          _*) Phải có đủ bốn yếu tố này mới cấu thành tội phạm. Thiếu một trong bốn yếu tố này, thì không phải là tội phạm. Qua tình huống đã cho, trước hết nhóm em khẳng định A, B và C phạm tội thuộc các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người. Cụ thể là tội hiếp dâm theo Điều 111 BLHS 1999. “Hiếp dâm được hiểu là: dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái ý muốn của họ.”
          Để khẳng định như trên, nhóm em đã dựa vào những căn cứ sau:
          +) Trước tiên, do đề bài không nói cụ thể chị Nguyễn Thị V và A, B, C bao nhiêu tuổi, mà chỉ nói “V cùng một số người bạn là B, C, D tập trung ăn nhậu tại một lán nhỏ”, bên cạnh đó đề bài cũng đã cho tình huống “4 người uống hết 3 lít rượu” nên mặc nhiên trong trường hợp này có thể coi bốn đối tượng trên đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
          +) Thứ hai, căn cứ vào các tình tiết có trong đề bài, ta có thể phân tích vụ việc như sau:
ü  Mặt khách thể: hành vi phạm tội của B, C, D đã xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của V, xâm phạm đến sức khỏe (gồm cả sức khỏe về thể chất lẫn sức khỏe về tinh thần).
ü Mặt khách quan của tội phạm:
- Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi giao cấu với người phụ nữ, trái ý muốn của họ, bằng thủ đoạn dùng vũ lực (dùng sức mạnh đè bẹp sự phản kháng của nạn nhân như xô ngã, vật, giữ…), đe dọa dùng vũ lực (uy hiếp về mặt tinh thần: dọa giết, dọa gây thương tích), lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân( lợi dụng khi nạn nhân ốm, bị bại liệt…) hoặc dùng thủ đoạn khác (có thể là lợi dụng người phụ nữ đang trong tình trạng không có khả năng biểu lộ ý chí: nạn nhân bị tâm thần, bị say rượu, hoặc có thể tình trạng trên do người phạm tội tự mình tạo ra: cho nạn nhân uống rượu…) Trong tình huống này, A, B và C đã lợi dụng V đang trong tình trạng không có khả năng biểu lộ ý chí: “V say rượu không biết gì nữa”.
- Cấu thành tội hiếp dâm đòi hỏi người phạm tội phải có hành vi giao cấu với nạn nhân. Hành vi giao cấu của người phạm tội phải trái ý muốn của nạn nhân, nghĩa là người phụ nữ không chấp nhận sự giao cấu. Trường hợp hành vi giao cấu xảy ra không có ý muốn của người phụ nữ vì họ đang trong tình trạng không biểu lộ ý chí được coi cũng là “hành vi giao cấu trái ý muốn”. Như đã phân tích ở trên, V trong tình trạng say không biết gì tức là không thể biểu lộ ý chí của mình nên hành vi giao cấu của A, B và C ở đây vẫn bị coi là hành vi giao cấu trái ý muốn.
 - Tội hiếp dâm có cấu thành hình thức. Do vậy hậu quả cũng như mối quan hệ nhân quả không phải là yếu tố bắt buộc trong cấu thành này. Nó chỉ có ý nghĩa trong việc đánh giá mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và từ đó có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt. Công cụ, phương tiện, địa điểm…phạm tội giúp việc quyết định hình phạt được chính xác hơn.
ü Chủ thể của tội phạm: Người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ 14 tuổi trở lên (nếu phạm tội ở khoản 2, khoản 3, khoản 4 điều 111) hoặc 16 tuổi trở lên (nếu phạm tội ở khoản 1) có thể trở thành chủ thể của tội này. Tuy nhiên chủ thể của tội hiếp dâm là chủ thể đặc biệt. Người thực hiện hành vi phạm tội này chỉ có thể là nam giới. Nữ giới có thể tham gia trong vụ đồng phạm hiếp dâm với vai trò là người xúi giục, người giúp sức hoặc người tổ chức. Như vậy chủ thể của tội hiếp dâm là nam giới có năng lực TNHS và đủ 14 tuổi trở lên hoặc đủ 16 tuổi trở lên.
ü       Mặt chủ quan của tội phạm: Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội biết hành vi giao cấu của mình là trái ý muốn của người phụ nữ nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó bằng mọi thủ đoạn (dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân…). Động cơ và mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm này.
         Từ các căn cứ đã phân tích ở trên, ta có thể một lần nữa khẳng định B, C, D phạm tội hiếp dâm theo Điều 111 BLHS năm 1999.

2. Trường hợp cố ý phạm tội của A, B, C có là đồng phạm không? Tại sao?
       Khoản 1 Điều 20 BLHS có quy định: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Theo quy định này, để thoả mãn vấn đề đồng phạm cần có những điều kiện nhất định. Theo quy định này, để thỏa mãn vấn đề đồng phạm nhất thiết phải thỏa mãn những dấu hiệu sau đây:
          _*) Thứ nhất, phải có từ 2 người trở lên, những người này phải có đầy đủ các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm như đạt độ tuổi chịu TNHS theo luật định, có năng lực TNHS…
         _*) Thứ hai, những người này phải cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Tức là mỗi người trong đồng phạm đều có hành vi tham gia vào thực hiện tội phạm, hành vi của mỗi người thực hiện không biệt lập với nhau mà nằm trong sự liên kết, hành vi của người này hỗ trợ bổ sung cho hành vi của người kia và ngược lại. Hành vi phạm tội của mỗi người đều nằm trong hoạt động của cả nhóm, với mục đích chung là đạt được kết quả thực hiện tội phạm. Vì vậy, sẽ không được coi là đồng phạm khi một số người đã cùng thực hiện một tội phạm, cùng một thời gian, nhưng giữa những người này không có sự bàn bạc, liên hệ, ràng buộc, hỗ trợ nhau mà hành vi của mỗi người đều thực hiện đôc lập.
         Khoản 2, điều 20, BLHS quy định: “ …người tổ chức, người xúi giục, người thực hành, người giúp sức đều là những người đồng phạm…”.  Như vậy, việc cùng thực hiện một tội phạm có thể là trực tiếp thực hiện hành vi được mô tả trong cấu thành tội phạm (người thực hành), thực hiện hành vi chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy thực hiện tội phạm (người tổ chức), người thực hiện hành vi kích động, dụ dỗ, xúi giục người khác thực hiện hành vi phạm tội (người xúi giục), tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người khác thực hiện tội phạm (người giúp sức). Nếu không có một trong những hành vi nêu trên thì không thể coi là người cùng thực hiện và do vậy cũng không thể là người đồng phạm.
          _*) Ngoài ra, để xác định đồng phạm ta còn phải căn cứ vào yếu tố lỗi. Trong trường hợp đồng phạm, mỗi người đồng phạm không chỉ cố ý đối với hành vi phạm tội của mình mà còn biết và mong muốn sự tham gia của những người đồng phạm khác. Lỗi cố ý trong đồng phạm được thể hiện qua 2 phương diện:
ü Về lý trí: mỗi người đồng phạm đều nhận thức được tính nguy hiểm của hành vi của mình, tính nguy hiểm của những hành vi của những người đồng phạm khác, thấy trước được hậu quả chung của hành vi phạm tội đó.
ü Về ý chí: những người đồng phạm khi thực hiện hành vi đều mong muốn cùng thực hiên tội phạm và mong muốn hậu quả chung của tội phạm xảy ra.
         Cùng với việc dựa vào Giáo trình Luật hình sự Việt Nam II áp dụng vào đề bài em có kết luận: Trường hợp cố ý phạm tội của A, B và C không phải là đồng phạm, nhưng B và C là đồng phạm. Tức là, A phải chịu TNHS độc lập về tội hiếp dâm mà mình thực hiện (điều 111,BLHS). Còn B và C phải chịu TNHS chung về toàn bộ tội phạm mà mình thực hiện, đồng thời cũng  B và C cũng phải chịu trách nhiệm độc lập về việc đã cùng thực hiện tội phạm. Sở dĩ nhóm em đưa ra khẳng định như vậy là dựa vào những căn cứ sau:
-                   Thứ nhất, hành vi cố ý cùng thực hiện một tội phạm: theo kết luận từ phần 1, A, B và C đều phạm tội hiếp dâm theo điều 111, BLHS. Tuy nhiên, trong trường hợp này, giữa A với B và C không có sự bàn bạc, liên hệ, ràng buộc, hỗ trợ lẫn nhau… thể hiện ở việc: A dìu chị V sang 1 căn chòi khác, lợi dụng lúc chị V say rượu không biết gì đã thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn với chị V. Tức là khi A thực hiện hành vi giao cấu với chị V thì B và C không hề biết.
         Sau khi giao cấu, A nằm ngủ cạnh chị V. Khi A đã ngủ B và C mới đi qua chòi và thực hiện hành vi giao cấu. Nghĩa là A không hề biết trước sự xuất hiện của B và C cũng như không mong muốn sự cố ý tham gia của B và C. Vì thế, có thể khẳng định trong trường hợp này A, B và C không phải là đồng phạm.
         Nhưng giữa B và C thì khác, không những B và C cùng phạm tội hiếp dâm theo điều 111, BLHS mà hành vi của B và C còn có sự liên hệ, thống nhất, bàn bạc với nhau, thể hiện ở việc B và C cùng đi ngang qua, thấy chị V ở trong tình trạng không mảnh vải trên người, đã lợi dụng hoàn cảnh đó “thay nhau giao cấu” với chị V.
-                   Thứ hai, có 2 người cùng cố ý thực hiện tội phạm đó là B và C (coi như đã đạt độ tuổi chịu TNHS theo luật định và có năng lực TNHS như đã phân tích ở trên).
-        Thứ ba, về dấu hiệu lỗi: lỗi của B và C đều là lỗi cố ý. Tức là, cả B và C đều cố ý đối với hành vi phạm tội của mình và mong muốn có sự tham gia của người còn lại thể hiện qua 2 phương diện:
ü Về lý trí: mỗi người đồng phạm đều nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi của mình và của những người đồng phạm khác, thấy trước được việc gây ra hậu quả chung của hành vi phạm tội đó. Trong trường hợp B và C thì như phần đầu đã phân tích, B và C đủ khả năng nhận thức đuợc mức độ nguy hiểm của hành vi của mình cũng như của người còn lại.
ü Về ý chí: những người đồng phạm khi thực hiện hành vi đều mong muốn cùng thực hiện tội phạm và mong muốn hậu quả chung của tội phạm xảy ra. Ở đây, cả B và C khi thực hiện hành vi phạm tội đều mong muốn cùng thực hiện tội phạm, thể hiện ở việc B và C thay nhau giao cấu với chị V và mong muốn hậu quả chung của tội phạm xảy ra đó là thực hiện được hành vi giao cấu với chị V.
ü Ngoài ra còn có thể căn cứ vào dấu hiệu động cơ, mục đích: B và C thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn đối với chị V nhằm thỏa mãn dục vọng của bản thân.
          Từ những dấu hiệu nêu trên, có đủ căn cứ để khẳng định trong trường hợp này B và C là đồng phạm.

3. Việc phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu của A, B, C có được coi là tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ TNS không?
          Căn cứ vào Điều 14 BLHS: “người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.  Vậy trước hết khẳng định được rằng người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu vẫn phải chịu TNHS. Ở đây, A, B, C tự mình tước bỏ năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi của mình. Suy ra B, C, D tuy phạm tội trong tình trạng say rượu song vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. 
          Tình tiết tăng nặng (giảm nhẹ) TNHS là các tình tiết làm tăng lên( hoặc giảm xuống) một cách đáng kể mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Đây là một trong bốn căn cứ để quyết định hình phạt một cách đúng đắn và chính xác.
          Các tình tiết giảm nhẹ TNHS là tình tiết giảm đi một cách đáng kể (so với mức bình thường) mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định tại Điều 46. Theo khoản 1 điều 46 thì có 18 tình tiết giảm nhẹ. Ngoài ra “Tòa án có thể coi các tình tiết là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án” (Khoản 2. Điều 46). Các tình tiết khác theo thực tiễn xét xử có thể là: người phạm tội là thương binh, con liệt sĩ, người tàn tật. Từ đó ta thấy rằng tình tiết phạm tội khi say rượu không được quy định trong khoản 1 điều 46, đặc biệt cũng không nằm trong diện “các tình tiết khác” quy định ở khoản 2. Nên tình tiết này không phải là tình tiết giảm nhẹ TNHS.

Trong trường hp này : A, B, C có lỗi với tình trạng say đó là họ  tự mình tước bỏ năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi của mình nên không có tình tiết giảm nhẹ.
Bởi vì người say là người có lỗi khi để mình rơi vào trạng thái say. Trước đó, họ là người có năng lực trách nhiệm hình sự, họ hoàn toàn tỉnh táo, họ có thể biết và buộc phải biết không được uống đến mức say, đến mức không thể kiểm soát được hành vi của mình. Khi họ uống rượu hoặc sử dụng các chất kích thích mạnh khác là tự họ đặt mình vào tình trạng “say” nên họ có lỗi. Họ đã có lỗi khi lựa chọn cách xử xự là uống say, để mình rơi vào tình trạng không kiểm soát và điều khiển được hành vi của bản thân. Do đó, đây không thể coi là một tình tiết giảm nhẹ mà thậm chí say do dùng bia rượu còn là một tình tiết tăng nặng định khung trong một số tội. Tình tiết này chỉ là tình tiết tăng nặng định khung trong một số tội danh như "Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" (Điều 202 BLHS), Điều 208, Điều 212.  Phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu của A, B, C không phải một trong 14 tình tiết quy định tại điều 48 BLHS.
          Vậy phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu bia hoặc các chất kích thích mạnh khác không được coi là tình tiết giảm nhẹ TNHS cũng không là tình tiết tăng nặng TNHS vì theo quy định trong 18 tình tiết tại khoản 1 Điều 46  BLHS - các tình tiết giảm nhẹ TNHS không quy định tình tiết "say” do dùng bia rượu. Và cũng không thấy quy định trong 14 tình tiết tại khoản 1 Điều 48 BLHS - các tình tiết tăng nặng TNHS một khoản nào quy định rằng "say do dùng bia rượu" là một tình tiết tăng nặng TNHS. Do vậy tình tiết này không được coi là tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ TNHS.

4. Giả thiết rằng V đang có thai ở tháng thứ 2 thì A, B và C có phải chịu TNHS về tình tiết tăng nặng “phạm tội đối với phụ nữ có thai” qui định tại điểm h khoản 1 Điều 48 BLHS không? Tại sao?
 "Phụ nữ có thai" được xác định bằng cách chứng cứ chứng minh là người phụ nữ đó đang mang thai, như: bị cáo và mọi người đều nhìn thấy được hoặc bị cáo nghe được, biết được từ các nguồn thông tin khác nhau về người phụ nữ đó đang mang thai. Trong trường hợp thực tế khó nhận biết được người phụ nữ đó đang mang thai hay không hoặc giữa lời khai của bị cáo và người bị hại về việc này có mâu thuẫn với nhau thì để xác định người phụ nữ đó có thai hay không phải căn cứ vào kết luận của cơ quan chuyên môn y tế hoặc kết luận giám định.” ( Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12 tháng 5 năm 2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS.).
Nếu V đang có thai ở tháng thứ 2 thì A, B, C có phải chịu TNHS về tình tiết tăng nặng “phạm tội đối với phụ nữ có thai” vì:
Căn cứ vào Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP quy định tại mục 2 về tình tiết "phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già" quy định tại điểm h khoản 1 Điều 48 của BLHS xác định rõ trường hợp áp dụng tình tiết tăng nặng tại mục 2.1 như sau:
“Chỉ áp dụng tình tiết "phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già" đối với những trường hợp phạm tội do lỗi cố ý, không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của bị cáo có nhận biết được hay không nhận biết được người bị xâm hại là trẻ em, phụ nữ có thai, người già”.
Theo phần a) thì tội danh của A, B, C được xác định là tội hiếp dâm. Mặt khác, mặt chủ quan của loại tội này là do lỗi cố ý. Theo quy định ở trên thì vẫn áp dụng tình tiết "phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già" đối với trường hợp A, B, C phạm tội do lỗi cố ý, không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của A, B, C có nhận biết được hay không nhận biết được chị V là phụ nữ có thai hay không.
Như vậy, nếu V đang có thai dù là ở tháng thứ mấy thì người phạm tội là A, B, C vẫn phải chịu TNHS về tình tiết tăng nặng quy định tại điểm h khoản 1 Điều 48 BLHS và Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP. Mức độ tăng nặng TNHS của tình tiết này phụ thuộc vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm đã thực hiện trong thời kỳ thai nghén của nạn nhân hay người bị hại và sự ảnh hưởng trực tiếp của hành vi phạm tội đối với cái thai, tình trạng sức khoẻ của người bị hại đó.

          Trên đây là toàn bộ những quan điểm của nhóm em trong việc giải quyết tình huống mà đề bài đã đưa ra... Cơ quan xét xử phải nghiên cứu kĩ các quy định của Bộ luật Hình sự và các văn bản có liên quan. Từ đó, người phạm tội sẽ có được sự xét xử đúng tội và đúng mức phạt. Nó vừa đảm bảo không sót người, sót tội mà còn đảm bảo tính khoan dung của pháp luật, mở ra con đường sống cho người phạm tội biết ăn năn hối cải.












MỤC LỤC.

1.Xác định tội danh cho hành vi của A, B, C.
 Nêu căn cứ pháp lý.....................................................................................2

2.Trường hợp cố ý phạm tội của A, B, C có là
 đồng phạm không? Tại sao?.......................................................................5

3.Việc phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu
 của A, B, C có được coi là tình tiết tăng nặng
 hay giảm nhẹ TNS không? …....................................................................8

4. Giả thiết rằng V đang có thai ở tháng thứ 2
 thì A, B và C có phải chịu TNHS về tình tiết
 tăng nặng “phạm tội đối với phụ nữ có thai
 qui định tại điểm h khoản 1 Điều 48 BLHS không? Tại sao?..................10












DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ø Bộ luật hình sự năm 1999.
Ø Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hình sự Việt Nam, (tập I và tập II), Nxb. CAND, Hà Nội, 2009;
Ø “Bình luận khoa học Bộ luật hình sự Việt Nam”, NXB Chính trị quốc gia.
Ø Về các tội phạm tình dục trong luật hình sự Việt Nam”, Dương Tuyết Miên, tạp chí luật học, số 6/1998.                                                                                                                                                                     
Ø Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS.
Ø “Một số điểm mới trong chương các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người trong BLHS năm 1999”, Lê Đăng Doanh, Tạp chí luật học, số 4/2000.
Ø “Bình luận khoa học bộ luật hình sự năm 1999 phần chung”, Th.S Đinh Văn Quế, NXB. TP HCM, 2000.
Ø  http://www.vietlaw.gov.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét