Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Dân sự- xây dựng một tình huống bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra. Phân tích các mối quan hệ pháp luật trong tình huống đó. Xác định mức độ và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra?


Hành vi trái pháp luật, có lỗi của người gây thiệt hại sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Thiệt hại xảy ra có thể là kết quả của một hành vi gây thiệt hại nhưng cũng có thể là kết quả của nhiều hành vi gây thiệt hại. Khi nhiều người cùng gây thiệt hại thì về nguyên tắc, mỗi người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ của hành vi gây thiệt hại. Để hiểu rõ hơn về vấn đề bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra nên em đã chọn đề tài “xây dựng một tình huống bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra. Phân tích các mối quan hệ pháp luật trong tình huống đó. Xác định mức độ và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra?” cho bài tiểu luận của mình.
Tình huống:
A, B và C cùng là con nghiện, do thiếu tiền tiêm chích nên A, B và C đã bàn bạc, thống nhất với nhau thực hiện việc trộm cắp tài sản của nhà anh H do thường ngày chúng để ý thấy anh A thường đi làm về lúc đêm đã khuya. Theo đó, chúng phân công nhau, A sẽ làm nhiệm vụ canh gác bên ngoài để B và C phá khóa vào nhà anh H để lấy tài sản. B và C vào nhà lục tìm tiền mặt và bọn chúng đã lấy được tổng cộng là 15 triệu đồng tiền mặt. Lấy xong tài sản bọn chúng đi ra khỏi khu vực nhà anh H và dùng số tiền đã chiếm đoạt được để tiêm chích và ăn tiêu.
Sau khi A, B và C đi khỏi một thời gian thì M đi qua thấy cổng và cửa nhà anh H đều mở toang nên đã lẻn vào lấy đi một số tài sản với giá trị khoảng 5 triệu đồng.
Vụ án sau đó bị phát hiện. A, B, C và M đều bị tòa kết án về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự.
Tại phiên tòa với tư cách là người bị hại, anh H yêu cầu A, B, C và M bồi thường cho mình số tài sản đã bị thiệt hại.
Trong tình huống trên, ta thấy:
Người gây ra thiệt hại trong tình huống này là A, B, C và M.
Người bị thiệt  hại là anh H.
Anh H bị A, B, C và M trộm cắp tài sản, với tổng thiệt hại là 20 triệu đồng. anh H yêu cầu 4 người này phải bồi thường cho mình số tài sản đã bị thiệt hại.
Trong trường hợp này anh H có quyền yêu cầu anh M bồi thường cho mình số tài sản tương ứng với số tài sản mà anh M đã trộm cắp của anh. Và có quyền yêu cầu một trong ba người là A, B, C phải bồi thường cho mình toàn bộ số tài sản đã bị thiệt hại do hành vi trộm cắp của A, B và C.
Anh M có nghĩa vụ phải bồi thường cho anh H số tài sản mà mình đã lấy cắp theo yêu cầu của anh H.
Một trong ba người hoặc A hoặc B hoặc C nếu được anh H yêu cầu phải bồi thường toàn bộ thiệt hại thì có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại theo yêu cầu của anh H, sau đó, có quyền yêu cầu hai người còn lại bồi hoàn cho mình số tiền mà mình đã thực hiện nghĩa vụ trước đó. Vì trong trường hợp này A, B và C có trách niệm liên đới bồi thường thiệt hại.
Mức độ và trách nhiệm bồi thường.
Theo quy định tại Điều 616 Bộ luật dân sự thì: “Trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây ra thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau”.
Trong tình huống này thì hành vi của anh M độc lập với hành vi của A, B và C nên anh M chỉ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình mà không có bất cứ nghĩa vụ gì đối với nghĩa vụ bồi thường thiệt hại của A, B và C.
A, B và C có sự thống nhất, bàn bạc với nhau về hành vi trộm cắp. tức là ba người này cùng gây thiệt hại, hành vi của người này tương hỗ cho người kia để cùng gây ra một hậu quả chung đó là thiệt hại về tài sản cho anh H.
Trong trường hợp này, cả A, B và C đều có lỗi (cố ý) trong việc gây ra thiệt hại, mỗi người phải bồi thường thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình. Có thể nhận thấy trong tình huống này, B và C là người trực tiếp lấy tài sản và A đóng vai trò là người giúp sức. khó có thể xác định được mức độ lỗi của ai cao hơn vì thực chất giữa ba người này đều đã có sự bàn bạc, thống nhất với nhau về vai trò của từng người. Do đó, cả A, B và C đều phải bồi thường với mức bồi thường là như nhau. Cụ thể là 15: 3 = 5 triệu đồng/ 1 người.
           Bồi thương thiệt hại ngoài hợp đồng có một ý nghĩa quan trọng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể có quyền lợi bị xâm hại và nhằm răn đe, phòng ngừa đối với những người có hành vi gây thiệt hại. Trong bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra thì việc xác định trách nhiệm và mức độ bồi thường là cần thiết, đảm bảo quyền lợi cho cả những người gây thiệt hại và người bị thiệt hại.















TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam, tập 2, Nxb. CAND, Hà Nội, 2006;
2. Lê Đình Nghị (chủ biên), Giáo trình Luật dân sự Việt Nam, tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2009;
3. Bộ luật dân sự năm 2005.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét