Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Học kỳ HSu- ĐỀ BÀI SỐ 8: A làm quen với B trên mạng. Sau vài lần trò chuyện, A ngỏ lời yêu B và hẹn B đi chơi, B nhận lời. Được B nhận lời mời đi chơi, A có ý định hiếp dâm B nên gọi điện cho N, V, Q và rủ ba tên cùng thực hiện tội phạm. Sau khi đưa nạn nhân đến chỗ vắng, cả 4 tên thực hiện hành vi hiếp dâm nạn nhân nhiều lần. Câu hỏi: 1. Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 BLHS, hãy phân loại tội phạm đối với tội hiếp dâm. 2. Xác định khách thể và đối tượng tác động của tội phạm trong vụ án. 3. Tội hiếp dâm là tội có cấu thành vật tội phạm vật chất hay cấu thành tội phạm hình thức? Giải thích rõ tại sao? 4. A, N, V, Q có phải những đồng phạm khồn? Giải thích rõ tại sao? 5. Hãy xác định loại người đồng phạm trong vụ án và giải thích rõ tại sao. 6. Giả thuyết Q chỉ có hành vi giữ tay chân B để 3 tên A, N, V giao cấu với nạn nhân. Có ý kiến cho rằng A, N, V là người thực hành, còn Q là người giúp sức. Vậy ý kiến của anh chị thế nào? Giải thích rõ tại sao?


ĐỀ BÀI SỐ 8:

A làm quen với B trên mạng. Sau vài lần trò chuyện, A ngỏ lời yêu B và hẹn B đi chơi, B nhận lời. Được B nhận lời mời đi chơi, A có ý định hiếp dâm B nên gọi điện cho N, V, Q và rủ ba tên cùng thực hiện tội phạm. Sau khi đưa nạn nhân đến chỗ vắng, cả 4 tên thực hiện hành vi hiếp dâm nạn nhân nhiều lần.
Câu hỏi:
1.     Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 BLHS, hãy phân loại tội phạm đối với tội hiếp dâm.
2.     Xác định khách thể và đối tượng tác động của tội phạm trong vụ án.
3.     Tội hiếp dâm là tội có cấu thành vật tội phạm vật chất hay cấu thành tội phạm hình thức? Giải thích rõ tại sao?
4.     A, N, V, Q có phải những đồng phạm khồn? Giải thích rõ tại sao?
5.     Hãy xác định loại người đồng phạm trong vụ án và giải thích rõ tại sao.
6.     Giả thuyết Q chỉ có hành vi giữ tay chân B để 3 tên A, N, V giao cấu với nạn nhân. Có ý kiến cho rằng A, N, V là người thực hành, còn Q là người giúp sức. Vậy ý kiến của anh chị thế nào? Giải thích rõ tại sao?













BÀI LÀM:
1.     Trả lời câu hỏi 1: Căn cứ vào khoản 3 Điều 8 BLHS, các nhóm tội phạm được định nghĩa như sau: “Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 3 năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 7 năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 15 năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”
Theo định nghĩa này, các nhóm tội phạm được phân biệt với nhau bởi cả dấu hiệu về mặt nội dung chính trị, xã hội và cả dấu hiệu về mặt pháp lí. Nếu như tội phạm nói chung có dấu hiệu về mặt nội dung chính trị, xã hội và có dấu hiệu về mặt hậu quả pháp lí là tính phải chịu hình phạt thì các nhóm tội phạm cũng có những dấu hiệu đó, vì đều là tội phạm nhưng với những nội dung cụ thể khác nhau. Như vậy ta có thể phân loại tội phạm đối với tội hiếp dâm được quy định tại Điều 111 BLHS như sau:
Khoản 1 Điều 111 quy định: “ Người nào dũng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”. Ở đây ta thấy, khoản 1 Điều 111 BLHS đã quy định rõ mức cao nhất của khung hình phạt là đến bảy năm tù, đối chiếu với khoản 3 Điều 8 BLHS thì khoản 1 Điều 111 BLHS thuộc loại tội phạm nghiêm trọng bởi mức hình phạt cao nhất đối với tội nghiêm trọng là đến 7 năm tù; bên cạnh đó, ta thấy rõ khoản 1 Điều 111 đã mô tả rất rõ dấu hiệu định tội – dấu hiệu mô tả tội phạm, qua đó ta thấy rõ tính gây nguy hại lớn cho xã hội của hành vi phạm tội ở khoản này. Như vậy ta có thể khẳng định được rằng khoản 1 Điều 111 thuộc loại tội phạm nghiêm trọng.
Khoản 2 Điều 111 quy định: “ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a, Có tổ chức;
b, Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bênh;
c, Nhiều người hiếp dâm một người;
d, Phạm tội nhiều lần;
đ, Đối với nhiều người;
e, Có tính chất loạn luân;
g, Làm nạn nhân có thai;
h, Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỉ lệ thương tật từ 31% đến 60%
i, Tái phạm nguy hiểm”.
Ở đây, ta thấy khoản 2 Điều 111 đã quy định rõ mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội phải nhận nếu phạm phải một trong các tội thuộc khoản này là đến mười lăm năm tù; đối chiếu với khoản 3 Điều 8 BLHS thì mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội đặc biệt nghiêm trọng là đến mười lăm năm tù. Bên cạnh đó, ta nhận thấy dấu hiệu định tội – dấu hiệu mô tả tội phạm ở khoản 2 Điều 111 có tính chất gây nguy hiểm rất lớn cho xã hội, mà ở đấy tính chất nguy hiểm cho xã hội ở khoản này lớn hơn hẳn so với ở khoản 1 Điểu 111. Như vậy ta có thể khẳng định được rằng khoản 2 Điều 111 thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng.
Khoản 3 Điều 111 quy định: “ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân*:
a, Gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên;
b, Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c, Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.”
Ta có thể thấy, khoản 3 Điều 111 đã quy định rõ mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội có thể phải nhận nếu phạm phải một trong các trường hợp sau là phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân; đối chiếu với khoản 3 Điều 8 BLSH thì mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình, vậy mức phạt tù ở khoản 3 Điều 111 hoàn toàn tương ứng với khung hình phạt đối với tội đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại khoản 3 Điều 8. Hơn nữa ta nhận thấy, dấu hiệu định tội – dấu hiệu mô tả tội phạm ở khoản 3 Điều 111 là những dấu hiệu tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội; thậm chí, nhưng dấu hiệu này còn có mức gây nguy hại lớn nhất so với mức nguy hại được nhận định ở khoản 1 hay khoản 2 của Điều 111. Như vậy ta có thể khẳng định được rằng, khoản 3 Điều 111 thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Khoản 4 Điều 111 BLHS quy định: “ Phạm tội hiếp dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó”.
Như đã nêu ở trên, khoản 4 Điều 111 đã quy định rõ mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội có thể phải nhận nếu phạm phải trường hợp quy định ở khoản này là bị phạt tù từ năm năm đến mười năm; như vậy đối chiếu theo khoản 3 Điều 8 BLHS ta có thể thấy, mức cao nhất của khung hình phạt ở khoản 4 Điều 111 cao hơn mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội nghiêm trong, nhưng lại thấp hơn mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội rất ngiêm trong; tuy nhiên, ở đây việc các nhà làm luật đưa ra định mức khung hình phạt không phải để thục tế áp dụng một cách cứng nhắc mà có thể dựa trên tình tiết vụ án xảy ra mà áp dụng luật một cách hợp lý. Như vây, ở đây có thể thấy mức cao nhất của khung hình phạt thuộc khoản 4 Điều 111 đối chiếu với khoản 3 Điều 8 BLHS hoàn toàn có thể tương ứng với loại tội rất nghiêm trọng. Bên cạnh đó ta có thể thấy, dấu hiệu mô ta tội phạm – dấu hiệu định tội của khoản 4 Điều 111 có tính chất nguy hại rất lớn cho xã hội (hành vi hiếp dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi). Như vậy ta có thể khẳng định rằng, khoản 4 Điều 111 thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng.
Thêm nữa, khoản 4 Điều 111 còn quy định: “ Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này, thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tại các khoản đó”; như vậy, việc các nhà làm luật đưa thêm vấn đề này hoàn toàn phù hợp đối với  việc linh hoạt trong quá trình xét xử để định tội và áp dụng hình phạt đối với người phạm tội.
2.     Trả lời câu hỏi 2: Xác định khách thể và đối tượng tác động của tội phạm trong vụ án: Cũng giống như hoạt động khác của con người, hoạt động phạm tội (dù chỉ là hoạt động tồn tại trong giai đoạn lịch sử nhất định) cũng nhằm vào những khách thể cụ thể, tồn tại ngoài ý thức và độc lập với ý thức của chủ thể nhưng không phải là để cải biến mà gây thiệt hại cho chính nhưng khách thể đó.
Trong hệ thống những quan hệ xã hội phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị, các quan hệ xã hội có ý nghĩa khác nhau đối với sự củng cố và phát triển của xã hội và được nhà nước bảo vệ bằng những loại quy phạm pháp luật khác nhau với những biện pháp cưỡng chế khác nhau. Khách thể bảo vệ của luật hình sự là những quan hệ được nhà nước xác định cần được bảo vệ bằng những quy phạm pháp luật hình sự. Những quan hệ xã hội đó sẽ là khách thể của tội phạm trong trường hợp chúng bị gây thiệt hại hoặc bị đe dọa gây thiệt hại ở mức độ nhất định. Như vậy có thể định nghĩa: “Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại”
Trước hết để xác định khách thể của tội phạm trong vụ án này ta cần thấy được tính chất của vụ án. Dựa trên tình tiết của vụ án: “ A làm quen với B trên mạng. Sau vài lần trò chuyện, A ngỏ lời yêu B và hẹn B đi chơi, B nhận lời. Được B nhận lời mời đi chơi, A có ý định hiếp dâm B nên gọi điện cho N, V, Q và rủ 3 tên cùng thực hiện tội phạm. Sau khi đưa nạn nhân đến chỗ vắng, cả bốn tên thay nhau thực hiện hành vi hiếp dâm nạn nhân nhiều lần”, ta đủ để kết luận hành vi của A, N, V, Q là hành vi giao cấu với người phụ nữ trái với ý muốn của họ, được quy định tại Điều 111 BLHS “Tội hiếp dâm”, xâm phạm tới quan hệ xã hội được nhà nước bảo vệ nói chung đó là quan hệ nhân thân và được luật hình sự bảo vệ nói riêng đó là danh dự và nhân phẩm của con người; như vậy khách thể của vụ án này chính là hành vi xâm hại đến nhân phẩm, dạnh dự của con người.
·         Đối tượng tác động của tội phạm là bộ phận của khách thể của tội phạm, bị hành vi phạm tội tác động đến để gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ.
Sự gây thiệt hại cho khách thể dù ở hình thức cụ thể nào cũng luôn luôn luôn diễn ra trên cơ sở hành vi phạm tội làm biến đổi tình trạng của các đối tượng tác động – các bộ phận cấu thành của quan hệ xã hội.
Bất cứ tội phạm nào cũng đều tác động làm biến đổi tình trạng của những đối tượng tác động cụ thể. Sự làm biến đổi tình trạng này là phương thức gây thiệt hại cho quan hệ xã hội. Sự làm biến đổi tình trạng của đối tượng tác động trong chừng mực nhất định có thể được gọi là sự xâm phạm đến đối tượng tác động như thực tế hiện nay vẫn gọi tên một số nhóm tội theo đối tượng tác động. Luật hình sự Việt Nam bảo vệ các quan hệ xã hội thông qua việc bảo đảm tình trạng bình thường cho các bộ phận cấu thành của các quan hệ xã hội đó. Sự bảo vệ các đối tượng tác động cụ thể luôn luôn có ý nghĩa bảo vệ các bộ phận của quan hệ xã hội và qua đó để bảo vệ toàn bộ quan hệ xã hội.
Như đã phân tích ở trên, khách thể của tội phạm trong vụ án này đó là xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự của con người hay chính là quan hệ nhân thân được pháp luật điều chỉnh; con người với ý nghĩa vừa là thực thể tự nhiên vừa là thực thể xã hội có thể là chủ thể của nhiều quan hệ xã hội khác nhau. Trong số những quan hệ xã hội đó có những quan hệ xã hội chỉ có thể bị gây thiệt hại khi có sự biến đổi tình trạng bình thường của con người. Quan hệ nhân thân là quan hệ xã hội thuộc loại này, và như vậy tội hiếp dâm trong vụ án này có đối tượng tác động là con người. Hành vi phạm tội của tội hiếp dâm là hành vi xâm hại tới danh dự và nhân phẩm của con người.
3.     Trả lời câu hỏi 3: Ta khẳng định tội hiếp dâm là tội có cấu thành tội phạm hình thức; như đã biết, dựa vào đặc điểm cấu trúc của các dấu hiệu thuộc mặt khách quan có thể chia CTTP thành CTTP vật chất và CTTP hình thức:
-               CTTP vật chất là CTTP có dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi, hậu quả, mối quan hệ nhân quản giữa hành vi và hậu quả;
-               CTTP hình thức là CTTP có một dấu hiệu cuat mặt khách quan là hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Điểm khác nhau giữa CTTP vật chất và CTTP hình thức ở chỗ nhà làm luật quy định dấu hiệu hậu quả là dấu hiệu bắt buộc hay không phải là dấu hiệu bắt buộc trong CTTP. Việc xác định loại tội nào có CTTP vật chất hay có CTTP hình thức phải dựa vào quy định của luật, tránh quan niệm cho rằng nếu có hậu quả xảy ra thì tội phạm đang xem xét có CTTp vật chất hay ngược lại, nếu hành vi phạm tội chưa gây ra hậu quả thì tội có CTTP hình thức. Việc xây dựng loại tội nào có CTTP cơ bản là CTTP vật chất hay CTTP hình thức là xuất phát từ cơ sở khách quan sau:
- Nếu riêng hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thể hiện được đầy đủ tính nguy hiểm của tội phạm hoặc hậu quả nguy hiểm cho xã hội là hậu quả khó xác định thì CTTP thường được xây dựng là CTTP hình thức.
- Nếu riêng hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa thể hiện được hoặc chưa thể hiện được đầy đủ tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm mà đòi hỏi phải có cả hậu quả nguy hiểm cho xã hội thì CTTP thường được xây dựng là CTTP vật chất.
Như ta thấy ở Điều 111 BLHS quy định về tội hiếp dâm; hành vi nguy hiểm cho xã hội ở đây là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ; nhưng Điều luật lại ko chỉ rõ hậu quả của hành vi gây ra cũng như không nêu rõ mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Ví dụ: Điều 93 BLHS quy định về tội giết người ta thấy, hậu quả chết người bắt buộc phải xảy ra, hành vi tước đoạt tính mạng của người khác phải là hành vi trái pháp luật, tức là luật câm mà vẫn làm, luật bắt làm mà không làm. Hành vi trái pháp luật phải là nguyên nhân gây ra hậu quả chết người, tức là có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Trong trường hợp tội giết người Điều 39 BLHS  thì hậu quả giết người bắt buộc phải xảy ra tức là đã hoàn thành cả hành vi và hậu quả. Nhưng tại Điều 111, các nhà làm luật trên lý thuyết không thể xác định được mức độ hậu quả của hành vi trái pháp luật này để lại, cũng như khó có thể xác định được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi với hậu quả; chính vì vậy tội hiếp dâm được quy định tại Điều 111 là tội có CTTP hình thức.
4.     Trả lời câu hỏi 4: Điều 20 BLHS quy đinh: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”.
a. Những dấu hiệu về mặt khách quan:
·        Có từ hai người trở lên và những người này có đủ điều kiện của chủ thể của tội phạm. Đó là điều kiện có năng lực TNHS và đạt độ tuổi chịu TNHS.
·        Những người này cùng thực hiện tội phạm (cố ý); tổ chức thực hiện hành vi được mô tả trong CTTP. Bằng những hành vi cụ thể, những người tham gia vào vụ việc này đều có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Những hành vi đó được thực hiện trong mối liên kết thống nhất với nhau. Những người đồng phạm đều trực tiếp thực hiện tội phạm và tổng hợp những hành vi của họ tạo thành hành vi phạm tội có đủ những dấu hiệu của CTTP nhất định
b. Những dấu hiệu về mặt chủ quan: Đồng phạm đòi hỏi những người cùng thực hiện tội phạm đều có lỗi cố ý. Ngoài ra, đối với những tội có dấu hiệu mục đích phạm tội  là dấu hiệu bắt buộc, đồng phạm đòi hỏi những người cùng thực hiện phải có cùng mục đích phạm tội đó
·        Dấu hiệu lỗi: khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, mỗi người đồng phạm không chỉ cố ý với hành vi của mình mà còn biết và mong muốn sự cố ý tham gia của những người đồng phạm khác
-         Về lí trí: mỗi người đều biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và đều biết người khác cũng có hành vi nguy hiểm cho xã cùng với mình. Mỗi người đồng phạm ở đây còn thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình cũng như hậu quả chung của tội phạm mà họ thực hiện
-         Về ý chí: những người đồng phạm ở đây cùng mong muốn có hoạt động chung và ở đây A rủ N, V, Q tức là A có ý muốn hoạt động chung cùng với đó là N, V, Q đi cùng A cũng có nghĩa là N, V, Q cũng có ý mong muốn hoạt động chung.
·        Dấu hiệu mục đích: những người tham gia đều có chung mục đích được phản ánh trong CTTP, qua phân tích ở trên hành vi của A, N, V, Q thỏa mãn các dấu hiệu của CTTP tội hiếp dâm.
Như vậy ta khẳng định A, N, V, Q là những người đồng phạm
5.     Trả lời câu hỏi 5: Xác định loại người đồng phạm trong vụ án
Điều 20 BLHS quy định: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”.
Cũng chính trong điều luật này, các nhà làm luật đã phân tách rõ các loại người đồng phạm trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn; điều này giúp cho việc xét xử và định tội danh được chính xác, chuẩn mực. Xét trong vụ án này dựa trên quy định của Luật hình sự ta có thể xác định được có các loại người đồng phạm như sau:
Thứ nhất, đó là người thực hành: “Người thực hành là người trực tiếp thực hiện phạm tội”. Theo tình tiết vụ án đưa ra A, N, V, Q sau khi đưa nạn nhân đến chỗ vắng, cả 4 tên thay nhau thực hiện hành vi hiếp dâm nạn nhân nhiều lần, như vậy đây là trường hợp trực tiếp thực hiện phạm tội và cả bốn tên A, N, V, Q đều được xác định là người thực hành.
Thứ hai, đó là người xúi giục: “Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thục hiện tội phạm” (khoản 2 Điều 20 BLHS). Đặc điểm của người xúi giục là tác động đến tư tưởng và ý chí của người khác, khiến người này phạm tội. Người xúi giục có thể là người đã nghĩ ra việc phạm tội và đã thúc đẩy cho tội phạm đó được thực hiện thông qua người khác. Do vậy, có thể gọi người xúi giục là “tác giả tinh thần” của tội phạm. Nhưng người xúi giục cũng có thể cùng tham gia vào việc thực hiện tội phạm cũng nhưng cũng có thể không. Sự xúi giục có thể được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn như kích động, lôi kéo, cưỡng ép, dụ dỗ, lừa phỉnh. Xét trên tình huống được đưa ra, A có ý định hiếp dâm B nên gọi điện cho N, V, Q và rủ ba tên cùng thực hiện tội phạm; như vậy hành vi “rủ” của A đã tác động đến tư tưởng và ý chí của N, V, Q xúi giục ba tên này cùng thực hiện phạm tội với mình. Việc rủ N, V, Q của A có thể coi là thủ đoạn kích động, lôi kéo thực hành phạm tội và có ý định rõ ràng thúc đẩy ba tên này phạm tôi. Như vậy, hành vi rủ N, V,  Q cũng thực hiện phạm tội của A được coi là người xúi giục trong các loại người đồng phạm.
6.     Trả lời câu hỏi 6: Giả thuyết Q chỉ có hành vi giữ tay chân B để tên A, N, V giao cấu với nạn nhân. Có ý kiến cho rằng A, N, V là người thực hành, còn Q là người giúp sức.
Hành vi giữ tay chân của Q để tên A, N, V giao cấu với nạn nhân không thể coi Q là người giúp sức, ở tình huống này hành vi của Q vẫn được coi loại người thực hành; bởi vì, trong vụ phạm tội cố ý có thể có nhiều người cùng tự mình thực hiện hành vi thực hiện hành vi được mô tả trong CTTP. Trong trường hợp này, không đòi hỏi mỗi người phải thực hiện trọn vẹn hành vi được mô tả trong CTTP mà có thể mỗi người chỉ thực hiện một phần hành vi đó. Nhưng đòi hỏi hành vi tổng hợp của họ phải là hành vi có đầy đủ dấu hiệu cuat CTTP. Trong vụ hiếp dâm này, Q là tên giữ chân nạn nhân để ba tên A, N, V thực hiện việc giao cấu. Trong vụ đồng phạm hiếp dâm này, hành vi của từng người đồng phạm không thỏa mãn hết các dấu hiệu của CTTP  tội hiếp dâm nhưng hành vi tổng hợp của những người này thỏa mãn hết các dấu hiệu đó. Tất cả những người đồng phạm trong tình huống này là A, N, V, Q đều được coi là người thực hành – đều là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Như vậy, giả sử hành vi của Q là giữ tay chân cho ba tên A, N, V thực hiện hành vi giao cấu với nạn nhân thì cũng cũng được coi là loại người thực hành.
------------HẾT------------


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:


1.                       Giáo trình luật hình sự Việt Nam – tập I / Trường Đại học Luật Hà Nội – NXB Công an nhân dân
2.                       Bộ luật hình sự năm 1999 – được sửa đổi, bổ xung năm 2009
3.                       Bình luận khoa học BLHS Việt Nam (bình luận chuyên sâu), Đinh Văn Quế, Nxb. TPHCM, 2004 - 2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét