Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Hình sự- Tình huống: Trên đường đi uống rượu về, H và Q phát hiện chị B cùng với hai người bạn đang say rượu nằm mê mệt bên lề đường. Thấy chị B đeo nhiều nữ tranh bằng vàng, H và Q lấy đi toàn bộ tài sản trị giá 10 triệu đồng. Gần sáng cơn say hết, chị B tỉnh giấc mới biết mình bị mất tài sản và đi báo công an. Về vụ án này có các ý kiến sau đây về tôi danh của H và Q. 1. H và Q phạm tội cướp tài sản. 2. H và Q phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. 3. H và Q phạm tội trộm cắp tài sản. Anh (chị) hãy xác định ý kiến nào là đúng, ý kiến nào là sai và giải thích.


LỜI MỞ ĐẦU
Xã hội ngày càng phát triển, đời sống con người ngày càng một nâng cao thì kéo theo đó tội phạm và những tệ nạn xã hội cũng có xu hướng gia tăng nhất là các tội phạm xâm phạm tới quan hệ sở hữu. Để có biện pháp đấu tranh với loại tội này có hiệu quả thì trước tiên ta phải hiểu rõ dấu hiệu pháp lý của từng loại tội, phải phân biệt rõ các tội danh với nhau. Có như vậy mới định tội danh và định khung hình phạt được chính xác. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều vụ án việc định tội làm sao cho thật chính xác là điều không phải dễ dàng. Tình huống mà đề bài đưa ra cũng là một trong những trường hợp như vậy:
Trên đường đi uống rượu về, H và Q phát hiện chị B cùng với hai người bạn đang say rượu nằm mê mệt bên lề đường. Thấy chị B đeo nhiều nữ tranh bằng vàng, H và Q lấy đi toàn bộ tài sản trị giá 10 triệu đồng. Gần sáng cơn say hết, chị B tỉnh giấc mới biết mình bị mất tài sản và đi báo công an. Về vụ án này có các ý kiến sau đây về tôi danh của H và Q.
1. H và Q phạm tội cướp tài sản.
2. H và Q phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.
3. H và Q phạm tội trộm cắp tài sản.
Anh (chị) hãy xác định ý kiến nào là đúng, ý kiến nào là sai và giải thích.
GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG
Trong vụ án này, ta thấy có ba nhận định khác nhau về tội danh của H và Q. Sở dĩ có những nhận định khác nhau như vậy vì ba tội này đều có những đặc điểm chung như: Đây là các tội có tính chất chiếm đoạt, được thực hiện do cố ý và gây ra thiệt hại về tài sản…Tuy nhiên nếu không hiểu rõ được tính chất của vụ án và các đặc trưng của từng tội cụ thể thì sẽ dễ dẫn đến sai lầm khi định tội. Theo quan điểm của cá nhân em thì các quan điểm cho rằng H và Q phạm tội cướp tài sản và quan điểm H và Q phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là sai, và em đồng tình với quan điểm cho rằng H và Q phạm tội trộm cắp tài sản.
Ta thấy, trong cấu thành của ba tội này đều có những điểm chung đó là:
Về khách thể, các tội phạm này đều xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân, cụ thể ở đây là quyền sở hữu tài sản hợp pháp của chị B.
Đối tượng tác động của tội phạm là tài sản, mà ở vụ án này là số nữ trang của chị B trị giá 10 triệu đồng.
Về mặt khách quan: đều có hành vi chiếm đoạt tài sản.
Về mặt chủ quan, lỗi của H và Q là lỗi cố ý trực tiếp, biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện và mong muốn cho hậu quả xảy ra. Bên cạnh việc cố ý thực hiện hành vi phạm tội thì người phạm tội còn có mục đích chiếm đoạt tài sản.
Về mặt chủ thể, thì ở đây cả H và Q đều có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định.
Do đó, để xem xét hành vi phạm tội của H và Q thuộc tội danh nào thì ta cần xét đến những dấu hiệu riêng trong cấu thành tội phạm của ba tội này. Trong trường hợp này, cụ thể là xét hành vi khách quan của ba tội này xem hành vi phạm tội của H và Q tương ứng với hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm của tội nào.
1. Xét ý kiến thứ nhất
H và Q phạm tội cướp tài sản là sai
Giải thích:
Theo quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì: cướp tài sản là hành vi “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản…”
Ta thấy, trong điều luật đã quy định rõ hành vi khách quan của tội này có ba dạng hành vi, đó là:
- Hành vi dựng vũ lực: dùng sức mạnh vật chất (có hoặc không có công cụ, phương tiện phạm tội) tác động vào người khác nhằm đè bẹp hoặc làm tê liệt sự chống cự của người này chống lại việc chiếm đoạt.
- Hành vi đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc: là trường hợp người phạm tội bằng lời nói hoặc bằng cử chỉ (hoặc cả hai) doạ sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc nếu chống cự lại việc chiếm đoạt. Dấu hiệu “ngay tức khắc”vừa dùng để chỉ sự nhanh chóng về mặt thời gian (sẽ xảy ra ngay lập tức) vừa dùng để chỉ sự mãnh liệt của hành vi đe dọa. Sự đe dọa này khiến cho nạn nhân thấy rằng vũ lực sẽ xảy ra ngay, họ không có hoặc khó có điều kiện tránh khỏi, sự đe dọa này làm cho ý chí của người bị đe dọa bị tê liệt.
- Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được (ví dụ như hành vi đầu độc, hành vi dùng thuốc gây mê…). Tuy không phải là hành vi dùng vũ lực hay đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc nhưng có khả năng đè bẹp hoặc làm tê liệt sự kháng cự làm cho người bị tấn công không thể ngăn cản được việc chiếm đoạt.
Chỉ cần người phạm tội có một trong ba hành vi kể trên thì tội cướp tài sản đã hoàn thành chứ không cần quan tâm tới người phạm tội có chiếm đoạt được tài sản hay không.
Căn cứ vào dâu hiệu về mặt khách quan như đã trình bày ở trên đối chiếu với tình huống này ta thấy hành vi của H và Q rõ ràng không phải là hành vi dùng vũ lực, cũng không phải là hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc và cũng không phải là hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Bởi vì, việc chị B lâm vào tình trạng không thể chống cự được hoàn toàn không phải là do hành vi của H và Q gây ra, nghĩa là kết quả của việc chị B mất khả năng nhận thức và không biểu lộ được ý chí của mình không có mối quan hệ nhân quả với hành vi của H và Q. Tình huống đã nêu rõ “Trên đường đi uống rượu về, H và Q phát hiện chị B cùng với hai người bạn đang say rượu nằm mê mệt bên lề đường”, do đó có thể thấy việc chị B lâm vào tình trạng không thể chống cự được đã xảy ra trước khi H và Q đến, như vậy H và Q không có những hành vi nêu trong mặt khách quan của tội cướp tài sản mà chỉ lợi dụng hoàn cảnh đã sẵn có đó để chiếm đoạt mà thôi.
Như vậy, trong trường hợp này ta hoàn toàn có thể khẳng định H và Q không phạm tội cướp tài sản vì về mặt khách quan không có dấu hiệu của những hành vi trong tội cướp tài sản. Mà đã không thỏa mãn một dấu hiệu trong cấu thành tội phạm của tội cướp tài sản thì không thể xác định là H và Q phạm tội cướp tài sản.
2. Xét ý kiến thứ hai
H và Q phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, theo em, đây cũng là quan điểm sai.
Giải thích:
Theo quy định tại Điều 137 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và qua thực tiễn xét xử thì có thể hiểu tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là lợi dụng chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản công nhiên chiếm đoạt tài sản của họ.
Do đặc điểm riêng của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, nên người phạm tội chỉ có hành vi khách quan duy nhất là hành vi chiếm đoạt, nhưng chiếm đoạt bằng hình thức công khai, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan khác như thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh... Tính chất công khai tuy không phải là hành vi khách quan nhưng lại là một đặc điểm cơ bản của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản và để phân biệt với các tội phạm khác. Công nhiên chiếm đoạt tài sản trước hết là công nhiên với chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản, sau đó là công nhiên với mọi người xung quanh. Tính chất công khai của hành vi thể hiện ở chỗ người phạm tội không giấu giếm hành vi phạm tội của mình, và gần như đồng thời lúc người phạm tội chiếm đoạt được tài sản, chủ tài sản cũng biết được rằng tài sản của mình đã bị mất. Có nghĩa là để cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản thì hành vi chiếm đoạt của người phạm tội phải có tính chất công khai tức là hành vi đó phải xảy ra trong hoàn cảnh chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản, tức là biết có hành vi chiếm đoạt mà không làm gì được vì đã rơi vào hoàn cảnh không có điều kiện ngăn cản.
Ở trường hợp này cả H và Q đã có hành vi chiếm đoạt là lấy tài sản của chị B, dấu hiệu chiếm đoạt ở đây mới nhìn có vẻ rất công khai nhưng thực tế lại không như vậy. Việc chiếm đoạt tài sản của H và Q đối với chị B làm cho ta lầm tưởng rằng H và Q không có ý định che giấu hành vi phạm tội của mình. Tuy vậy cả H và Q đều có hành vi che giấu việc thực hiện tội phạm. H và Q có công nhiên đối với tài sản nhưng lại có hành vi che giấu với chủ sở hữu tài sản là chị B và mọi người xung quanh mà cụ thể ở đây là những người bạn của chị B. Việc chiếm đoạt tài sản của H và Q không công khai nhưng do hoàn cảnh khách quan thuận lợi là trời tối vắng vẻ, chị B và những người bạn đều trong tình trạng say không biết những gì xảy ra nên không có điều kiện ngăn cản. Vì vậy nên sau khi chiếm đoạt được tài sản H và Q đã không cần nhanh chóng lẩn trốn.
Như vậy, hành vi của H và Q đã không thỏa mãn dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản mà có tính chất lén lút. Do vậy, quan điểm cho rằng H và Q phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là sai như đã khẳng định ở trên là hoàn toàn có căn cứ.
3. Xét ý kiến thứ ba
H và Q phạm tội trộm cắp tài sản, quan điểm này là hoàn toàn đúng.
Giải thích:
Theo quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và thực tiễn xét xử thì: Tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có chủ và thuộc một trong các trường hợp sau:
- Tài sản chiếm đoạt có giá trị từ hai triệu đồng trở lên
- Nếu dưới hai triệu đồng mà:
+ Gây hậu quả nghiêm trọng
+ Hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt mà còn vi phạm
+ Hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Ta thấy, tài sản mà H và Q đã chiếm đoạt là 10 triệu đồng, như vậy đã thỏa mãn giá trị của tài sản theo quy định tại khoản 1 điều 138 Bộ luật hình sự.
Dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản gồm: dấu hiệu hành vi chiếm đoạt, dấu hiệu lén lút và dấu hiệu tài sản đang có chủ.
Theo như tình huống của đề bài thì chị B mang nữ trang bên mình như vậy có nghĩa là tài sản này đang thuộc về quyền sở hữu của chị B.
Dấu hiệu chiếm đoạt trong cấu thành tội trộm cắp tài sản được hiểu là chiếm đoạt được, tội này chỉ coi là hoàn thành khi người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản.
 - Nếu vật chiếm đoạt gọn nhỏ thì coi đã chiếm đoạt được khi người phạm tội đã giấu được tài sản trong người.
- Nếu vật chiếm đoạt không thuộc loại nói trên thì coi chiếm đoạt được khi đã mang được tài sản ra khỏi khu vực bảo quản.
- Nếu vật chiếm đoạt là tài sản để ở những nơi không hình thành khu vực bảo quản riêng thì coi là đã chiếm đoạt được khi đã dịch chuyển tài sản ra khỏi vị trí ban đầu.
Tản sản mà H và Q đã chiếm đoạt thuộc loại vật nhỏ gọn và “chị B tỉnh giấc mới biết mình bị mất tài sản và đi báo công an”, có nghĩa là H và Q đã chiếm đoạt được tài sản.
Dấu hiệu lén lút ở đây, nghĩa là người phạm tội lén lút (bí mật) lấy tài sản mà chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không biết mình bị lấy tài sản, chỉ sau khi tài sản đã bị mất họ mới biết. Hành vi chiếm đoạt được coi là lén lút nếu được thực hiện bằng hình thức mà hình thức đó có khả năng không cho phép chủ tài sản biết có hành vi chiếm đoạt khi hành vi này xảy ra. Hình thức đó có thể là lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản không trông giữ cẩn thận hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan khác nhằm tiếp cận tài sản để thực hiện hành vi chiếm đoạt mà người quản lý tài sản không biết.
Ở đây H và Q đã có hành vi lén lút mà không công khai. Sự lén lút trong việc phạm tội thể hiện ở việc lợi dụng chủ sở hữu đang trong tình trạng say rượu, không nhận thức được để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của chủ tài sản là chị B.Vì say rượu nằm mê mệt nên chị B và hai người bạn không hề biết bị H và Q lấy mất tài sản, chỉ sau khi tỉnh rượu thì họ mới biết là mình bị mất tài sản và đi báo công an.
Tính chất lén lút của hành vi trộm cắp tài sản còn thể hiện ở chỗ người phạm tội che giấu hành vi phạm tội của mình. Lén lút đối lập với công khai, trắng trợn. Tuy nhiên lén lút không phải là đặc trưng duy nhất của tội trộm cắp tài sản mà trong nhiều trường hợp người phạm tội cũng lén lút để thực hiện mục đích khác như lẻn vào nhà người khác để đặt mìn nhằm giết hại những người trong gia đình của họ, lẻn vào phòng ngủ của phụ nữ để thực hiện việc hiếp dâm…vì vậy khi nói đến trộm cắp tài sản thì không thể không đi kèm với hành vi chiếm đoạt tài sản, nếu lén lút mà không chiếm đoạt tài sản thì không phải là trộm cắp tài sản.
Ở đây H và Q đã lén lút lấy đi số nữ trang của chị B trị giá 10 triệu đồng, tuy công khai với tài sản nhưng cả H và Q đều có hành vi lén lút với chủ tài sản là chị B và những người xung quanh nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình.
Từ những phân tích ở trên, ta thấy, nếu chị B biết H và Q có hành vi chiếm đoạt mà không thể làm được gì thì mới là công nhiên chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, khi H và Q phát hiện ra chị B “đang say rượu nằm mê mệt bên lề đường”, chúng mới lấy đi tài sản trên người chị. Lúc này chị B đã không còn khả năng nhận thức và điều khiển được hành vi, rõ ràng chị B không thể biết hành vi của H và Q. Như vậy H và Q đã lợi dụng sự sơ hở của chị B để chiếm đoạt tài sản, do đó hành vi của H và Q đã thỏa mãn dấu hiệu lén lút trong cấu thành của tội trộm cắp tài sản.
Như vậy, quan điểm cho rằng H và Q phạm tội trộm cắp tài sản là hoàn toàn đúng và có cơ sở.
KẾT LUẬN
Tội phạm nói chung là hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội, có lỗi, trái pháp luật hình sự và phải chịu hình phạt. Mỗi một loại tội phạm cụ thể có những đặc điểm cấu thành riêng. Việc phân tích một cách rõ ràng cấu thành tội phạm của các tội phạm cụ thể và kết hợp với những quy định chung sẽ là căn cứ vững chắc để chúng ta xác định đúng tội danh trong từng trường hợp. Thông qua việc giải quyết tình huống này, ta có thể hiểu rõ hơn về loại tội xâm phạm sở hữu có tính chât chiếm đoạt được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, tập II, Nxb. CAND, Hà Nội, 2007;
2. Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009);
3. TS.Trần Minh Hưởng, Học viện cảnh sát nhân dân (chủ biên), Hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam, tập I, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (thực hiện từ 01/01/2010), Nxb. Lao động, Hà Nội, 2009;

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét