Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Dân sự - A là nông dân, trồng được nhiều đu đủ ở ngoài đồng. Một lần đi thăm đồng A phát hiện có người hái trộm đu đủ của nhà mình. A nhiều lần rình bắt người lấy đu đủ nhưng không được. A lấy thuốc trừ sâu và kim tiêm bơm thuốc trừ sâu vào những quả đu đủ sắp chín ở những nơi đã xảy ra mất trộm. Bà B đi chợ qua cánh đồng đã vào hái trộm 5 quả đu đủ về ăn. Bà B và con gái là C bị ngộ độc phải đưa đi cấp cứu nên không chết nhưng bà B bị tổn hại sức khỏe 35%, cô C bị tổn hại 37% sức khỏe. Hỏi: 1. xác định tội danh của A? 2. Giả sử bà B và C chết thì tội danh của A được xác định như thế nào?


Trong thực tiễn có rất nhiều hành vi phạm tội khác nhau và việc xác định tội danh cho những hành vi phạm tội ấy nhiều khi không phải là điều dễ dàng và có thể nhầm lẫn. Tình huống mà đề bài đã nêu ra cũng là một trong những trường hợp như vậy.
A là nông dân, trồng được nhiều đu đủ ở ngoài đồng. Một lần đi thăm đồng A phát hiện có người hái trộm đu đủ của nhà mình. A nhiều lần rình bắt người lấy đu đủ nhưng không được. A lấy thuốc trừ sâu và kim tiêm bơm thuốc trừ sâu vào những quả đu đủ sắp chín ở những nơi đã xảy ra mất trộm.
Bà B đi chợ qua cánh đồng đã vào hái trộm 5 quả đu đủ về ăn. Bà B và con gái là C bị ngộ độc phải đưa đi cấp cứu nên không chết nhưng bà B bị tổn hại sức khỏe 35%, cô C bị tổn hại 37% sức khỏe.
Hỏi:
1. xác định tội danh của A?
2. Giả sử bà B và C chết thì tội danh của A được xác định như thế nào?
1. Xác định tội danh của A?
Trong vụ việc này A phạm tội giết người theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự ở giai đoạn phạm tội chưa đạt.
Vì:
Theo quy định tại Điều 93 thì tội giết người là hành vi cố ý tước đoạt trái pháp luật tính mạng người khác. Xét trường hợp phạm tội của A:
- Về khách thể:
tội phạm mà A thực hiện đã xâm phạm đến quyền được sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của bà B và C.
Đối tượng tác động của tội phạm là chủ thể có quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng. Đó là những người đang sống, đang tồn tại trong thế giới khách quan- cụ thể trong trường hợp này đó chính là bà B và cô C.
- Về mặt khách quan:
thứ nhất, hành vi khách quan
Theo như định nghĩa tội giết người thì hành vi khách quan của tội này là hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác, cụ thể ở đây hành vi của A là tiêm thuốc trừ sâu vào những quả đu đủ để tước đoạt tính mạng của người ăn phải những trái đu đủ này. Trong vụ việc này là bà B và cô C.
Thứ hai, hậu quả:
Hậu quả của tội giết người là hậu quả chết người xảy ra. Tuy nhiên, trong trường hợp này hậu quả chết người chưa xảy ra nhưng hậu quả chết người chưa xảy ra là do nguyên nhân khách quan.
Thứ ba, Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả chết người:
Hậu quả bà B và cô C bị ngộ độc do ăn đủ đủ phải đưa đi cấp cứu nên không chết và bị tổn hại sức khỏe là do hành vi tiêm thuốc trừ sâu vào trái đu đủ của A.
- Về mặt chủ quan:
Ta thấy rằng, trong trường hợp này lỗi của A là lỗi cố ý trực tiếp. Vì
 căn cứ vào hành động của A, tiêm thuốc trừ sâu vào trái đu đủ thì chắc chắn A mong muốn rằng người ăn trộm bị ngộ độc do ăn đu đủ. Chứ không thể lập luận là A tiêm đó thôi chứ không muốn người ăn trộm bị ngộ độc để giải thích rằng đó là lỗi cố ý gián tiếp. Hơn nữa trong tình huống cũng đã nếu rõ: “A nhiều lần rình bắt người lấy đu đủ nhưng không được. A lấy thuốc trừ sâu và kim tiêm bơm thuốc trừ sâu vào những quả đu đủ…” Vì vậy nên có thể khẳng định rằng lỗi của A là lỗi cố ý trực tiếp.
- Về chủ thể: trong tình huống này chủ thể của tội phạm là A, là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đã đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Từ những phân tích ở trên, ta thấy mặc dù trong mặt khách quan hậu quả chết người chưa xảy ra nhưng xét mặt chủ quan thì lỗi của A là lỗi cố ý trực tiếp nên A phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người chưa đạt.



b. Giả sử bà B và C chết thì tội danh của A được xác định như thế nào?
Trong vụ việc này, nếu bà B và C chết thì A sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự ở giai đoạn tội phạm đã hoàn thành.
Vì:
Theo lý luận về tội phạm đã hoàn thành thì: tội phạm đã hoàn thành là trường hợp hành vi phạm tội đã thỏa mãn hết các dấu hiệu được mô tả trong cấu thành tội phạm.
Trong trường hợp này về mặt chủ quan, hành vi khách quan, khách thể và chủ thể thì như đã phân tích ở trường hợp trên. Còn về hậu quả, ta thấy trong trường hợp này thì hậu quả chết người đã xảy ra và hậu quả này là do hành vi của A mang lại. Do đó, ta thấy hành vi phạm tội của A đã thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu pháp lý của tội giết người theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự.
Từ việc giải quyết tình huống trên, ta thấy để xác định đúng tội danh, đặc biệt là xác định tội danh trong trường hợp phạm tội chưa đạt thì cần phải chú ý đến từng dấu hiệu pháp lý của tội phạm, trong tình huống trên, nếu xác định không đúng lỗi của người phạm tội trong mặt chủ quan của tội phạm thì sẽ dẫn đến xác định sai tội danh, vì nếu xác định lỗi của A là lỗi cố ý gián tiếp thì A sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích chứ không phải là tội giết người.
Trên đây là toàn bộ quan điểm của em về việc giải quyết tình huống mà đề bài đã đưa ra, mặc dù đã cố gắng nhưng khó tránh khỏi những thiếu sót, Vì vậy em rất mong nhận được sự đóng góp, đánh giá của các thầy, cô giáo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét