Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Dân sự- Hợp đồng dân sự vô hiệu


A-   Đặt vấn đề

          Để tồn tại và phát triển thì mỗi cá nhân cũng như mỗi tổ chức phải tham gia nhiều mối quan hệ khác nhau. Trong đó việc mỗi bên thiết lập với nhau các lợi ích vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng đóng một vai trò quan trọng, một tất yếu đối với mọi đời sống xã hội. Đó chính là việc chuyển giao tài sản, quyền tài sản hoặc thực hiện một dịch vụ giữa người này, tổ chức này với người khác, tổ chức khác như mua bán tài sản, thuê mướn tài sản hoặc khoán một công việc nào đó. Những giao dịch đó gọi là giao dịch dân sự, giao dịch này được hình thành thông qua sự thỏa thuận gữa các bên tham gia và được pháp luật ghi nhận. Từ đó làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa họ và buộc các bên phải thực hiện. Sự thỏa thuận đó gọi là hợp đồng. Khi hợp đồng được các bên xác lập, thực tế không phải lúc nào hợp đồng cũng có hiệu lực vì nhằm bảo vệ những lợi ích hợp pháp của các bên khi tham gia giao kết hợp đồng thì Bộ luật dân sự (BLDS) có đặt ra quy định về sự vô hiệu của hợp đồng dân sự. Vậy cụ thể trong trường hợp nào thì hợp đồng dân sự được coi là vô hiệu và các vấn đề liên quan đến hợp đồng vô hiệu như thế nào? Dưới đây là một số vấn đề về hợp đồng dân sự vô hiệu.









B- Giải quyết vấn đề
I- Lí luận chung về hợp đồng dân sự
          1. Khái niệm.
Hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận ý chí của hai hay nhiều bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Hợp đồng dân sự là loại giao dịch dân sự phổ biến nhất trong đời sống hàng ngày. Thông thường hợp đồng có hai bên tham gia trong đó thể hiện sự thống nhất ý chí của chủ thể trong một quan hệ cụ thể (mua bán, cho thuê…) nhưng cũng tồn tại hợp đồng có nhiều bên tham gia (hợp đồng hợp tác- Điều 111 BLDS năm 2005). Mỗi bên trong hợp đồng có thể có một hoặc nhiều chủ thể tham gia. Trong hợp đồng, ý chí của một bên đòi hỏi sự đáp lại của bên kia, tạo thành sự thống nhất ý chí của các bên, từ đó mới hình thành được hợp đồng
Việc giao kết hợp đồng dân sự phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:
- Nội dung thỏa thuận không được trái pháp luật, đạo đức xã hội
- Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng.
2. Hình thức của hợp đồng dân sự.
Theo quy định tại Điều 401 của BLDS năm 2005 thì về nguyên tắc, các bên được lựa chọn hình thức của hợp đồng: có thể giao kết bằng  lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Tuy nhiên, khi pháp luật quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định thì các bên phải tuân theo. Chẳng hạn, trong nhiều trường hợp pháp luật quy định   hợp đồng phải  được thể hiện bằng văn bản và phải có công chứng hoặc chứng thực. (Ví dụ như Hợp đồng mua bán nhà phải bằng văn bản và phải được công chứng, chứng thực). Những hợp đồng dân sự nào không bảo đảm các yếu tố như trên có thể sẽ bị tuyên là vô hiệu (trong trường có tranh chấp giữa hai bên thì phải đưa ra Tòa giải quyết).
Điểm cần lưu ý là khi có các tranh chấp về hợp đồng dân sự, nếu không tự thỏa thuận, hòa giải được với nhau thì chỉ có thể đưa ra nhờ Tòa án giải quyết. Ngoài Tòa án, không “ai” khác có quyền này. Trên thực tế, nhiều người khi tranh chấp dân sự vẫn cứ hay nghĩ và nhờ Công an, hay y ban phường giải quyết là không đúng.  Tranh chấp về hợp đồng dân sự là chuyện rất phổ biến và hầu như là tất yếu trong cuộc sống. Do vậy, Luật Dân sự có quy định về việc “giải thích hợp đồng dân sự” trong trường hợp các bên có quan điểm khác nhau, theo đó:
- Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí chung của các bên để giải thích điều khoản đó.
- Khi một điều khoản của hợp đồng có thể được hiểu theo nhiều nghĩa thì phải chọn nghĩa nào làm cho điều khoản đó khi thực hiện có lợi nhất cho các bên.
- Khi hợp đồng có ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với tính chất của hợp đồng.
- Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng.
- Trong nhiều trường hợp bên mạnh thế đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên yếu thế thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế.




II- Hợp đồng dân sự vô hiệu.
1. Khái niệm và phân loại.
          Tại Điều 410 BLDS năm 2005 có quy định:
“1. Các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 128 đến Điều 138 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu.
2. Sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối với các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
3. Sự vô hiệu của hợp đồng phụ không làm chấm dứt hợp đồng chính, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ là một bộ phận không thể tách rời của hợp đồng chính.”
Từ quy định trên ta có thể hiểu những quy định áp dụng cho giao dịch dân sự cũng là những quy định áp dụng đối với hợp đồng dân sự. Điều 122 BLDS nêu rõ: “1. a,Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự
b, Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội
c, Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện
2. Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định”.
Ta hiểu rằng bất kì một giao dịch dân sự nào được coi là có hiệu lực thì cũng phải đáp ứng đủ các điều kiện trên  đây. Đối với hợp đồng dân sự cũng vậy. Nó chỉ được coi là có hiệu lực khi có đủ các điều kiện đã được quy định ở trên. Nếu hợp đồng dân sự được giao kết mà thiếu đi một trong các điều kiện nêu trên thì hợp đồng đó cũng sẽ bị coi là vô hiệu. Khi giao dịch dân sự vô hiệu,thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì hoàn trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường. Tùy từng trường hợp, xét theo tính chất của giao dịch dân sự vô hiệu, tài sản giao dịch và hoa lợi, lợi tức thu được có thể bị tịch thu theo quy định của pháp luật.
Về phân loại, trong thực tế có thể chia hợp đồng dân sự vô hiệu thành hai loại: hợp đồng dân sự vô hiệu toàn bộ và hợp đồng dân sự vô hiệu từng phần. Hợp đồng dân sự vô hiệu toàn bộ là hợp đồng không phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm các bên giao kết. Hợp đồng dân sự vô hiệu từng phần là hợp đồng khi một phần của nó vô hiệu, nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại trong hợp đồng. Chỉ có Tòa án mới có quyền tuyên bố một hợp đồng dân sự là vô hiệu toàn bộ hay vô hiệu từng phần.
2. Xác định hợp đồng dân sự vô hiệu và hậu quả pháp lí của hợp đồng dân sự vô hiệu.
BLDS năm 2005 không quy định cụ thể các trường hợp hợp đồng dân sự vô hiệu mà viện dẫn các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 127 đến Điều 138 để áp dụng đối với hợp đồng dân sự vô hiệu, vì hợp đồng là một loại giao dịch dân sự. Về nguyên tắc chung, hợp đồng dân sự vô hiệu không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên từ thời điểm xác lập. Các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu (hoàn nguyên) như khi chưa xác lập hợp đồng. Cho nên, nếu hợp đồng chưa được thực hiện, thì các bên không được thực hiện hợp đồng đó. Nếu hợp đồng đã được thực hiện toàn bộ hay một phần, thì các bên không được tiếp tụa thực hiện hợp đồng đó và phải hoàn trả cho nhau những lợi ích vật chất đã nhận của nhau. Nếu không hoàn trả được bằng hiện vật, thì phải hoàn trả bằng tiền. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.
          a, Hợp đồng dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội.
          Một trong những nguyên tắc cơ bản của luật dân sự là các bên phải tuân thủ pháp luật khi xác lập và thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình; khi pháp luật không quy định thì các bên có thể cam kết, thỏa thuận về việc xác lập quyền, và nghĩa vụ nhưng không được trái với những nguyên tắc cơ bản của luật dân sự. Đồng thời các bên  phải bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn trọng và phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mỗi người và các giá trị đạo đức cao đẹp của các dân tộc cùng sinh sống. Do vậy, khi những giao dịch dân sự có nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái với đạo đức xã hội thì giao dịch dân sự đó sẽ bị coi là vô hiệu mà không phụ thuộc vào ý chí của các bên tham gia giao dịch (Điều 128 BLDS). Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.
          Như vậy, hợp đồng dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội sẽ bị coi là vô hiệu toàn bộ. Trong trường hợp này tài sản giao dịch và hoa lợi, lợi tức thu được sung công quỹ nhà nước. Trong trường hợp nếu có thiệt hại mà các bên đều có lỗi, thì mỗi bên phải chịu phần thiệt hại của mình; nếu chỉ một bên có lỗi thì bên đó phải bồi thường thiệt hại cho bên kia. Khoản 2 Điều 136 BLDS quy định không hạn chế về thời gian yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu bất cứ lúc nào.
b, Hợp đồng dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức của hợp đồng.
          Tuân thủ hình thức phù hợp với quy định của pháp luật là một trong những điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nói chung, của hợp đồng dân sự nói riêng. Nghĩa là trong quá trình thực hiện hành vi giao dịch dân sự, bên cạnh việc cho phép các chủ thể tham gia có quyền lựa chọn hình thức giao dịch, để bảo đảm trật tự quản lí của Nhà nước, pháp luật cũng có quy định buộc các bên tham gia giao dịch dân sự, trong một số trường hợp nhất định phải tuân theo hình thức nhất định. Trong những trường hợp như vậy, nếu các bên không tuân theo hình thức quy định đó thì hợp đồng vô hiệu.
          Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định. Điều này có nghĩa, trong trường hợp pháp luật quy định một hợp đồng cụ thể phải được thể hiện dưới một hình thức nhất định thì hợp đồng đó phải được thể hiện dưới hình thức đó. Đây cũng được xem là điều kiện có hiệu lực hợp đồng. Nếu hợp đồng không được thể hiện dưới hình thức theo quy định của pháp luật như không phải bằng văn bản hoặc bằng văn bản nhưng không được công chứng, chứng thực, đăng kí hoặc cho phép thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong thời hạn nhất định. Quá thời hạn đó mà các bên không thực hiện thì thì giao dịch vô hiệu. Chỉ khi các bên không thực hiện và hoàn tất các quy định về hình thức của hợp đồng trong thời hạn do Tòa án quyết định thì hợp đồng mới vô hiệu. Bên có lỗi làm cho giao dịch dân sự vô hiệu phải bồi thường thiệt hại (Điều 134 BLDS).
c, Hợp đồng dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện.
          Người tham gia hợp đồng dân sự không có  năng lực hành vi dân sự sẽ không thể có đủ điều kiện để tự do ý chí tham gia hợp đồng. Do vậy, việc giao kết hợp đồng của họ phải được xác lập, thực hiện dưới sự kiểm soát của người đại diện. Khi hợp đồng dân sự do người bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện, thì trong thời hạn 2 năm kể từ ngày hợp đồng đó được xác lập, theo yêu cầu của người đại diện của người đó. Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu nếu thẹo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện.
Điều đó có nghĩa là, người không có năng lực hành vi hoặc có năng lực hành vi không đầy đủ không thể có đủ điều kiện để tự do thể hiện ý chí. Vì vậy, hợp đồng của họ phải được xác lập, thực hiện dưới sự kiểm soát của người khác hoặc do người khác xác lập, thực hiện. Tuy nhiên, hợp đồng do những người này xác lập không mặc nhiên bị coi là vô hiệu, mà chỉ vô hiệu khi có yêu cầu của những người đại diện cho họ. Người đã giao kết hợp đồng, với những người này không có quyền yêu cầu đó. Nếu người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự không khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì hợp đồng đó vẫn có hiệu lực pháp luật.
          Người đại diện của họ cũng có quyền yêu cầu bên đã biết người thực hiện giao dịch dân sự với mình là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà vẫn giao dịch phải bồi thường thiệt hại cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự nếu hành vi đó gây ra thiệt hại.
          Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch dân sự vào đúng thời điểm không nhận thức và điều khiển được  hành vi của mình, ví dụ như người đó đang trong tình trạng say rượu, mộng du…, cũng như bị coi là vô hiệu theo quy định tại Điều 133 BLDS. Trong thời hạn 2 năm, người có quyền, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó là vô hiệu. Trong trường hợp này, người nào biết hoặc phải biết mình xác lập giao dịch với người không nhận thức và điều khiển được hành vi của mình mà vẫn cố tình xác lập hợp đồng, thì phải bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra đối với người không  nhận thức và điều khiển được hành vi của mình.
          - Đối với trường hợp hợp đồng dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình chỉ áp dụng cho những người có năng lực hành vi dân sự. Tại thời điểm giao kết, nếu người đó bị rơi vào tình trạng không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì sau đó chính người đó có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Việc phân định trách nhiệm bồi thường thiệt hại phụ thuộc vào lỗi của các bên tham gia hợp đồng.
          d, Hợp đồng dân sự vô hiệu do không có sự tự nguyện của chủ thể tham gia giao dịch.
          Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận là một nguyên tắc cơ bản trong giao lưu dân sự. Để thực hiện một cách triệt để nguyên tắc đó thì các bên phải hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được áp đặt, cấm đoán, cưỡng ép, đe dọa, ngăn cản bên nào. Trong giao dịch dân sự nói chung và hợp đồng dân sự nói riêng cũng vậy. Khi các bên xác lập mà vi phạm nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận thì giao dịch đó là vô hiệu.
Theo quy định tại các Điều 129, Điều 131 và Điều 132 BLDS thì khi không có sự tự nguyện của các chủ thể tham gia thì hợp đồng sẽ bị coi là vô hiệu. Cụ thể là khi các bên xác lập hợp đồng một cách giả tạo nhằm che dấu một giao dịch khác, thì hợp đồng giả tạo vô hiệu còn hợp đồng bị che dấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu. Nếu hợp đồng được xác lập giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba nghĩa là không nhằm mục đích làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên thì giao dịch đó cũng bị coi là vô hiệu. Khi một bên do vô ý mà có sự nhầm lẫn về nội dung của hợp đồng mà xác lập giao dịch, thì có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó; nếu bên kia không chấp nhận yêu cầu thay đổi của bên bị nhầm lẫn thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Việc nhầm lẫn về nội dung của giao dịch nếu do một bên cố ý tạo ra cho bên kia thì được xem như hợp đồng có sự lừa dối, đe dọa. Khi giao dịch vô hiệu do bị nhầm lẫn, thì bên có lỗi trong việc để xảy ra nhầm lẫn phải bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại xảy ra.
          Hợp đồng dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa cũng bị coi là giao dịch dân sự vô hiệu. Lừa dối trong hợp đồng dân sự là hành vi cố ý của một bên nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của hợp đồng nên đã xác lập giao dịch đó. Đe dọa trong hợp đồng dân sự là hành vi cố ý của một bên làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình.
          Khi một bên tham gia hợp đồng dân sự có sự nhầm lân hoặc do bị lừa dối hay bị đe dọa, thì trong thời hạn 2 năm kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập, có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó vô hiệu. Trong trường hợp này, nếu bên cố ý gây sự nhầm lẫn, bên lừa dối, đe dọa gây ra tổn thất cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại. Đối với tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức mà bên lừa dối, đe dọa có được từ việc giao dịch do lừa dối, đe dọa sẽ bị tịch thu sung quỹ Nhà nước. Riêng đối với giao dịch do giả tạo, thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu không bị hạn chế. Do đó các bên tham gia hợp đồng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu bất cứ lúc nào.
- Hợp đồng dân sự vô hiệu do nhầm lẫn: nhầm lẫn là việc các bên hình dung sai về nội dung của hợp đồng mà tham gia vào hợp đồng gây thiệt hại cho mình hoặc cho bên kia. Sự nhầm lẫn xuất phát từ nhận thức của các bên hoặc phán đoán sai lầm về đối tượng, sự việc, sự nhầm lẫn phải được thể hiện rõ ràng mà căn cứ vào nội dung của hợp đồng phải xác định được. Nếu bên bị nhầm lẫn chứng minh được sự nhầm lẫn của mình thì hợp đồng có thể tuyên bố là vô hiệu. Trong nhiều trường hợp sự nhầm có thể xảy đến do lỗi của bên đối tác. Khi một bên có lỗi làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của hợp đồng mà giao kết hợp đồng. (Ví dụ như không đưa ra chỉ dẫn rõ ràng bằng tiếng Việt về công dụng của tài sản…) thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của hợp đồng đó. Nếu bên kia không chấp nhận thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu (theo Điều 131 BLDS năm 2005 về giao dịch dân sự vô hiệu). Tuy nhiên, lỗi ở đây chỉ là lỗi vô ý. Hợp đồng có thể bị tuyên bố vô hiệu do nhầm lẫn bất kể do lỗi của bên nào gây ra. Nếu bên nào có lỗi sẽ phải bồi thường thiệt hại cho bên kia. Có ý kiến cho rằng hợp đồng chỉ bị tuyên bố vô hiệu nếu như sự nhầm lẫn xảy ra do lỗi vô ý của bên đối tác ( Điều 131 BLDS). Còn nếu như chính bên bị nhầm lẫn có lỗi thì hợp đồng dân sự không bị vô hiệu. Bên nhầm lẫn phải tiếp tục thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, cách giải quyết này có sự thiếu hợp lí bởi lẽ chỉ cần có sự nhẫm lẫn xảy ra là hợp đồng đã không đáp ứng được yêu cầu về sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí, do vậy hợp đồng đã có thể bị tuyên bố vô hiệu. Còn việc xác định lỗ chỉ nhằm giải quyết vấn đề hậu quả phát sịnh khi hợp đồng vô hiệu ( trong việc bồi thường thiệt hại) mà thôi.
          - Hợp đồng dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa:
Lừa dối là hành vi cố ý của một bên nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của hợp đồng nên đã giao kết hợp đồng đó (có thể là để che dấu hành vi bất hợp pháp để thừa hưởng, thừa kế theo di chúc, dùng thủ đoạn nói là vật tốt để bán với giá đắt…).
Đe dọa là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia sợ hãi mà phải xác lập, thực hiện hợp đồng nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình. Tuy nhiên, sự đe dọa phải nghiêm trọng và có thật ( không thể là đe dọa tưởng tượng). Hành vi đe dọa có thể được thực hiện từ phía đối tác hoặc của người thứ ba.
 Những hợp đồng được xác lập do lừa dối, đe dọa chỉ bị coi là vô hiệu khi có yêu cầu của bên bị lừa dối, bị đe dọa và Tòa án chấp nhận yêu cầu đó. Như vậy, những hợp đồng được xác lập do các tác động này vẫn có hiệu lực nếu không có yêu cầu của bên bị lừa dối, bị đe dọa. Khi hợp đồng bị tuyên bố là vô hiệu thì bên lừa dối, đe dọa phải bồi thường thiệt hại xảy ra đối với bên bị lừa dối, bị đe dọa.
                   3. Tuyên bố hợp đồng dân sự vô hiệu.
          Khi hợp đồng vô hiệu, các bên có thể tự giải quyết với nhau bằng cách thỏa thuận không tiếp tục hợp đồng. Trong thực tế, khi một trong những điều kiện để hợp đồng có hiệu lực không được hội đủ, không ít trường hợp các bên đã cùng nhau tự bỏ và không tiếp tục hợp đồng. Nếu không cùng nhau tự giải quyết được thì một bên có quyền đơn phương không tiếp tục và vấn đề đặt ra là họ phải làm những thủ tục gì. Ở một số nước như Đức, Anh, Hà Lan, một bên có thể gửi thông báo cho bên kia để tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Ở đây, bên yêu cầu hủy hợp đồng không có nghĩa vụ kiện ra Tòa. Nhưng ở một số nước khác như Bỉ, Pháp, Luých-xăm-bua, Ý, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, bên muốn bỏ hợp đồng phải gửi đơn yêu cầu sự can thiệp của Tòa án. Pháp luật Việt Nam dường như theo xu hướng thứ hai này. Bởi lẽ, Điều 136 BLDS nhắc đi nhắc lại đến ba lần cụm từ “Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu”. Như vậy, ở nước ta Tòa án có thẩm quyền tuyên bố hợp đồng vô hiệu.
          Tòa án giải quyết việc tuyên bố hợp đồng dân sự vô hiệu. Vậy, thời hiệu khởi kiện được quy định như thế nào ? Theo khoản 2 Điều 136 BLDS năm 2005, “đối với các giao dịch dân sự được quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Bộ luật này thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế”. Như vậy, trong trường hợp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội, thời hiệu tuyên bố hợp đồng vô hiệu là không bị hạn chế, và, theo một số nhà bình luận, “đây là trường hợp bị coi là vô hiệu tuyệt đối”. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 136 BLDS quy định “thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại các điều từ Điều 130 đến Điều 134 của Bộ luật này là hai năm, kể từ ngày giao dịch dân sự được xác lập”. Điều đó có nghĩa là đối với giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện (Điều 130), giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn (Điều 131), giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa (Điều 132), giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình (Điều 133) và giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức (Điều 134), việc yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu là có giới hạn.
          4. Thực tiễn giải quyết hợp đồng dân sự vô hiệu.
Bản án: Nhầm lẫn
Bản án số 08/DSST ngày 09 tháng 02 năm 1999 của Tòa án nhân dân quận HBT, thành phố HN.
Nguyên đơn: anh Nguyễn Đắc M
          Bị đơn: anh Nguyễn Viết T.
Nhận định
Do có sự quen biết giữa anh Nguyễn Đắc M. và anh Nguyễn Viết T. Nên ngày 15/11/1998 anh M có mua của anh T chiếc xe máy Dream II màu tro biển kiểm soát 31-851-X5, số máy 060055. Anh M đã giao đủ 28.000.000đ cho anh T, và anh M đã nhận xe sử dụng đến ngày 08/12/1998, khi vợ anh M đang sử dụng xe đi, công an HT đã kiểm tra giấy tờ xe và thu giữ xe. Anh M được công an HT cho biết chiếc xe máy là tang vật của một vụ án mà công an đang điều tra. Sau khi bị thu giữ xe, anh M đã đến nhà anh T để cùng giải quyết nhưng anh T không có thiện chí. Theo anh M, việc anh mua xe là ngay thẳng, anh T cũng cam đoan chiếc xe máy là của anh. Nay anh yêu cầu anh T phải hoàn trả anh số tiền là 28 triệu đồng.
          Anh T khai chiếc xe máy Dream II có biển kiểm soát, số máy, số khung như trên là của anh mua của bạn anh là Nguyễn n Q ở thị xã HB với giá 27 triệu đồng. Anh đã sử dụng vì quá trình sử dụng anh thấy chất lượng xe không tốt, qua một người bạn giới thiệu nên anh đã bán chiếc xe này cho anh M với giá 28 triệu đồng. Anh đã nhận đủ tiền và giao xe cho anh M.
          Khi mua xe của anh Q, anh cũng không biết xe gian- sau khi công an HT mời đến làm việc anh mới biết chiếc xe anh đã bán là tang vật của vụ cướp. Nay anh M bị thu giữ xe và đòi anh 28 triệu đồng vì anh cũng là nạn nhân nên anh không có trách nhiệm gì trong việc này, anh bán xe cho anh M, không lừa dối anh M.
          Quá trình điều tra xác minh xác minh xác định chiếc xe máy Dream II, BKS 31-851-X5 số máy 060055 số khung, giấy tờ xe là của anh Nguyến Anh T, là tang vật của một vụ cướp ngày 01/7/1998 tại TL, thành phố H. Chủ sở hữu chiếc xe máy là anh Nguyễn Tiến H.
          Công an HT đã thu giữ xe và trả lại cho người bị hại là anh Nguyễn Tiến H ngày 16/12/1998.
          Việc mua bán xe của anh T với anh M xét thấy: Anh M mua xe của anh T là ngay thẳng nhưng bất hợp pháp, anh T bán xe và đã cầm đủ số tiền 28 triệu đồng của anh M. Trong giấy tờ mua bán, anh T cũng đã viết cam đoan vào giấy bán ngày 15/11/1998. Tôi cam đoan chiếc xe này là của tôi, nếu có gì sai tôi hoàn toàn hciuj trách nhiệm trước pháp luật. Thực tế, chiếc xe Dream II anh T đã mua và sau đó bán cho anh M không phải của anh mà là tang vật của vụ cướp tài sản công dân nên hợp đồng mua bán xe giữa anh T với anh M là vô hiệu, buộc anh T phải có trách nhiệm trả anh M số tiền là 28.000.000 đ.
Xét lời yêu cầu của anh T, anh đề ngị việc mua bán xe giữa anh và anh M chờ kết quả của vụ án hình sự.
          Xét thấy: việc anh T mua chiếc xe máy Dream II của anh Nguyễn n Q cũng là anh bị nhầm lẫn và khi anh mua xce sử dụng và bán lại cho anh M. Đây là giao dịch dân sự nên yêu cầu của anh T không được chấp nhận.
          Tham dự phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận HBT phát biểu hướng giải quyết vụ kiện: xác định hợp đồng mua bán tài sản giữa anh  T với anh M là vô hiệu. Hủy bỏ hợp đồng mua bán tài sản giữa anh Nguyễn Viết Th đối với anh M. Chấp nhận yêu cầu của anh M, đòi anh T số tiền 28 triệu đồng; buộc anh T phải bồi thường cho anh M số tiền 28 triệu đồng. Về án phí, anh T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
          Từ những nhận định trên
          Căn cứ Điều 136 và Điều 141-146 BLDS
          Căn cứ Nghị định 70/CP ngày 12/6/1997 của Chính phủ.
                                                Quyết định
Xử: tuyên bố giao dịch giữa anh T với anh M là vô hiệu
Chấp nhận yêu cầu của anh Nguyễn Đắc M đòi anh Ngyễn Viết T số tiền là 28 triệu đồng.
          Buộc anh Nguyễn Viết Th phải hoàn trả cho anh Nguyễn Đắc M số tiền 20.000.000đ (hai mươi tám triệu đồng)
          Về án phí….
Bình luận
1. Khái quát về nhầm lẫn. Sự tự nguyện tham gia giao dịch là một yếu  tố cơ bản và không thể thiếu được trong giao dịch dân sự. Mọi thỏa thuận không phản ánh đúng ý chí, sự tự nguyện của các bên đều cần được điều chỉnh. Trong cổ luật, nhà lập pháp không quy định trường hợp nhầm lẫn như một hà tì riêng biệt của sự ưng thuận. Sự nhầm lẫn chỉ được nhà làm luật quan tâm đến khi nào sự nhầm lẫn ấy là một hậu quả hay một thành tố của sự lừa dối. Hiện nay, Bộ luật dân sự có nêu ba chế tài trong trường hợp trên trong đó có những quy định điều chỉnh sự nhầm lẫn.
          Cụ thể, theo Điều 141 BLDS năm 1995 về “giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn”: “1- Khi một bên do nhầm lẫn về nội dung chủ yếu của giao dịch mà xác lập giao dịch, thì có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó; nếu bên kia không chấp nhận yêu cầu thay đổi của bên bị nhầm lẫn thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu. 2- Khi giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn, thì bên có lỗi trong việc để xảy ra nhầm lẫn phải bồi thường thiệt hại” và theo Điều 131 BLDS năm 2005 về “giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn”: “Khi một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch dân sự mà xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó, nếu bên kia không chấp nhận thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyền bố giao dịch dân sự vô hiệu. Trong trường hợp một bên do lỗi cố ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch thì được giải quyết theo quy định tại Điều 132 của bộ luật này”.
                   
5. Hạn chế và hướng hoàn thiện.
a,  Hạn chế.
 Từ thực tiễn giải quyết các hợp  đồng dân sự đã cho thấy những hạn chế, vướng mắc cần giải quyết ngay như sau:
Thứ nhất, các quy định của pháp luật còn thiếu chặt chễ, điều này thể hiện ở một số những quy định của pháp luật về điều kiện vô hiệu của hợp đồng. VD: Về hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn đối với qui định về hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn, BLDS Việt Nam chưa nhấn mạnh vào mức độ nghiêm trọng của nhầm lẫn dẫn đến sự vô hiệu của hợp đồng nhằm tránh các trường hợp người bị nhầm lẫn cẩu thả nghiêm trọng trong xác lập hợp đồng. Nói cách khác qui định về nhầm lẫn trong Điều 131 BLDS 2005 chưa có cái nhìn mang tính chất khách quan về việc xem xét lỗi đối với các bên xác lập hợp đồng (bên nhầm lẫn và bên gây nhầm lẫn) dẫn tới hậu quả pháp lý có thể không công bằng đối với các bên. Mặt khác, theo Điều 131 BLDS qui định thì chỉ cần “một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch dân sự mà xác lập giao dịch” thì giao dịch đó đã có thể bị xem xét tính có hiệu lực. Tuy nhiên, nội dung của hợp đồng dân sự gồm rất nhiều các điều khoản khác nhau trong đó có những điều khoản không mang tính chất quyết định đến việc các bên xác lập, thực hiện giao dịch vì thế nếu chỉ qui định chung chung như vậy thì điều luật này có thể được hiểu là nếu nhầm lẫn về bất cứ nội dung nào cũng có thể dẫn đến hợp đồng vô hiệu. Điều này đương nhiên là không bảo đảm cho các bên sự an toàn khi tham gia xác lập, thực hiện hợp đồng cũng như thúc đẩy giao lưu dân sự phát triển.
Thứ hai, những nhà áp dụng pháp luật nhiều khi còn hạn chế về mặt chuyên môn, nghiệp vụ dẫn tới sự lúng túng trong việc giải quyết những tranh chấp liên quan tới việc tuyên bố hợp đồng dân sự vô hiệu như vụ án  thứ nhất.
     
b, Hướng hoàn thiện
Sự ra đời của Bộ luật Dân sự 2005 với những kế thừa các quy định pháp luật trước đây về hợp đồng vô hiệu, cùng với sự tiếp thu kinh nghiệm pháp luật trên thế giới đã phần nào khắc phục tình trạng nhiều hợp đồng bị tuyên vô hiệu một cách không cần thiết.
       Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ, một số quy định không rõ ràng và cách vận dụng pháp luật thiếu linh hoạt đã dẫn đến tình trạng Nhà nước can thiệp quá mức vào tự do hợp đồng, gây không ít hậu quả xấu cho các bên liên quan. Để tuyên bố hợp đồng vô hiệu một cách chính xác, có sức thuyết  phục, cần hướng tới các vấn đề sau:
n trọng tự do hợp đồng.  Vị trí đặt quảng cáoĐể đánh giá mức độ hoàn thiện pháp luật hợp đồng của một quốc gia, người ta thường xem xét các giá trị của tự do hợp đồng. Tự do hợp đồng được hiểu là khi tham gia quan hệ hợp đồng, các bên được tự do lựa chọn đối tác, tự do chọn loại hình hợp đồng thích hợp để đạt mục tiêu, tự do xác lập các điều khoản và tự do quyết định có giao kết hợp đồng hay không. Một số người cho rằng để bảo vệ quyền tự do của người khác và lợi ích của cộng đồng nên phải hạn chế tự do hợp đồng. Và tự do hợp đồng bị vô hiệu khi các bên tham gia hợp đồng có thỏa thuận vi phạm trật tự công, đạo đức xã hội hoặc các bên tham gia hợp đồng không hoàn toàn tự nguyện.
Xác định sự can thiệp vào tự do hợp đồng. Cải cách pháp luật hợp đồng, hoàn thiện những quy định liên quan đến hợp đồng vô hiệu cần xác định sự can thiệp vào tự do hợp đồng. Trong xu hướng hoàn thiện pháp luật, sửa đổi Bộ luật Bân sự 2005 cần có những quy định về hợp đồng vô hiệu không chỉ bảo đảm sự quản lý nhà nước mà cần đặt lợi ích của các bên tham gia hợp đồng làm mục tiêu ưu tiên. Điều này nhằm mục đích Nhà nước thực sự trở thành bàn tay nâng đỡ cho các quan hệ tự do kinh doanh, tự do thỏa thuận để thúc đẩy nền kinh tế thị trường phát triển.
Trong xu thế hoàn thiện các quy định pháp luật về hợp đồng dân sự vô hiệu, Bộ luật Dân sự sau này nên dùng thuật ngữ “trật tự công” thay cho thuật ngữ “điều cấm của pháp luật” là căn cứ để tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu. Pháp luật có đồ sộ đến đâu cũng không thể bao quát hết mọi tình huống trong cuộc sống. Và nhiều khi việc tự do hợp đồng không trái với các điều cấm của pháp luật nhưng vẫn có thể chống lại trật tự công. Ngược lại, nhiều khi trái hay khác với các quy định pháp luật không có nghĩa là sẽ chống lại trật tự công cộng.  Bởi vậy, các điều cấm của pháp luật quá cứng nhắc vẫn có thể không bảo vệ được lợi ích chung của cộng đồng. Và thuật ngữ “điều cấm của pháp luật” khi vận dụng pháp luật không linh hoạt sẽ bị lạm dụng để can thiệp quá mức vào các quan hệ hợp đồng. Do đó, khi sử dụng mềm dẻo thuật ngữ “trật tự công” thì các lợi ích chung mới thật sự được bảo vệ.
          Tăng trách nhiệm và độc lập của thẩm phán. Tính độc lập của thẩm phán cũng bao gồm cả độc lập áp dụng những quy định của pháp luật về hợp đồng dân sự vô hiệu và sáng tạo pháp luật trong những trường hợp pháp luật hợp đồng thiếu hụt. Một hệ thống tư pháp thật sự độc lập, đáng tin cậy sẽ góp phần giúp cho việc tuyên bố hợp đồng dân sự vô hiệu được chính xác, đảm bảo được các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia hợp đồng và những người khác. Thẩm phán phải là những người có đạo đức tốt và là người có khả năng cảm nhận công lý, thu nạp những giá trị chân lý, thuần phong mỹ tục vào các phán quyết tuyên bố hợp đồng dân sự vô hiệu. Đồng thời thẩm phán cần phải chịu trách nhiệm về các bản án, quyết định tuyên bố hợp đồng dân sự vô hiệu của mình. Điều này thể hiện ở chỗ, thẩm phán chỉ tuân theo những quy định của pháp luật về hợp đồng dân sự vô hiệu khi xét xử, tự mình giải quyết các tranh chấp hợp đồng, không phụ thuộc vào bất cứ ai và cũng không bị chi phối bởi ý kiến của ai.

C- Kết thúc vấn đề.

Sự ra đời của BLDS 2005 và những chế định về hợp đồng được quy định trong BLDS đã tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng và ổn định, điều này đã giúp cho việc giao lưu dân sự diễn ra một cách có trật tự và hệ thống. Việc quy định các chế định về hợp đồng dân sự vô hiệu là một yếu tố cần thiết. Tuy vẫn còn một số hạn chế và vấn đề bất cập nhưng việc quy định như vậy đã tạo ra tâm lý an toàn cho các chủ thể khi tham gia vào các hợp đồng dân sự, qua đó một mặt nhằm bảo vệ những quyền và lợi ích hợp pháp của các bên khi xảy ra tranh chấp, mặt khác cũng góp phần hạn chế và phòng ngừa những hành vi gian lận trong giao kết hợp đồng.












Mục lục

A- Đặt vấn đề
B- Giải quyết vấn đề.
          I- Lí luận chung về hợp đồng dân sự
                    1. Khái niệm.
2. Hình thức của hợp đồng dân sự.
II- Hợp đồng dân sự vô hiệu.
1. Khái niệm và phân loại.
2. Xác định hợp đồng dân sự vô hiệu và hậu quả pháp lí của hợp đồng dân sự vô hiệu.
3. Tuyên bố hợp đồng dân sự vô hiệu.
4. Thực tiễn giải quyết hợp đồng dân sự vô hiệu.
5. Hạn chế và hướng hoàn thiện.
C- Kết thúc vấn đề.

         










DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


1.     Bộ luật dân sự năm 2005.
2.     Lê Đình Nghị (Chủ biên) Giáo trình luật dân sự Việt Nam (Tập 2). NXB Giáo dục.
3.     Những nội dung mới của BLDS năm 2005 – NXB tư pháp 2005. Hà Nội, 2009.
4.     Tạ Thị Hồng Vân, Hướng dẫn hợp đồng dân sự và cơ chế giải quyết tranh chấp trong BLDS.
5.     Tìm hiểu nội dung cơ bản của BLDS 2005 – NXB Lao động xã hội  
6.     Trường đại học luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam (Tập 2). NXB CAND - Hà Nội, 2007
7.     Trang web,  http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com/.



1 nhận xét: