Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

Dân sự- trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả.



Mục lục
Trang
MỤC LỤC
1
ĐẶT VẤN ĐỀ
2

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

3
I. Mồ mả.
3
1. Những vấn đề chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả.
3
2. Những quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả.
6
2.1 Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả.
6
2.2 Xác định thiệt hại.
12
II - Thực tiễn giải quyết vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả.
13
1. Những vướng mắc khi giải quyết vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả.
13
2. Những phương hướng hoàn thiện pháp luật bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả.
15
KẾT THÚC VẤN ĐỀ
17
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
18






ĐẶT VẤN ĐỀ
Với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, hàng loạt các công trình, xí nghiệp, nhà máy, khu dân đô thị với các tòa nhà cao tầng mọc lên san sát trên nhiều thửa ruộng, thửa đất đã được quy hoạch. Trong quá trình thi công, thực tế đã cho thấy nhiều trường hợp các đơn vị thi công đó gặp phải sự vướng mắc buộc phải dừng thi công do việc xây dựng móng công trình đã vô tình (hoặc có trường hợp cố tình) xâm phạm đến nơi an nghỉ cuối cùng của người đã khuất. Đây là trường hợp rất hay gặp trong thực tế, đặc biệt là các công trình được quy hoạch về các cấp địa phương, vùng nông thôn. Vấn đề này đang là một nội dung đã khiến cho nhiều người dân cũng như các nhà quản lý có thẩm quyền giải quyết hết sức quan tâm. không chỉ do điều kiện kinh tế - xã hội đem lại mà khiến cho tình trạng xâm phạm mồ mả trở nên phổ biến mà một phần cũng do trong xã hội có những cá nhân không có một nội tâm tốt đã xâm phạm đến mồ mả của người chết để lấy đi những tài sản mà người thân thích của người chết để tại ngôi mộ, hoặc cũng có trường hợp xâm phạm mồ mả của người chết, cũng như thi thể của người do hiện tượng sét đánh để lấy đi bàn tay của người chết để đi trộm cắp tài sản
Những vấn đề được nêu ở trên đang là những bức xúc của người dân được dư luận hết sức quan tâm. Cho dù ai đó có hành vi xâm phạm mồ mả của người chết là do lỗi cố ý hay vô ý đều khiến cho dư luận xã hội hết sức quan tâm, đặc biệt là ở các địa phương và các miền quê. Nhưng hành vi xâm phạm mồ mả đó có bị pháp luật xử lý hay không hoặc xử lý thì phải xử lý ra sao, trách nhiệm bồi thường như thế nào, đó là vấn đề mà em chọn để tìm hiểu trong đề tài này. Chính do những bức xúc, bất cập về tình trạng xâm phạm mồ mả trong xã hội hiện nay mà em vừa nêu ra ở trên nên theo em việc nghiên cứu về nội dung này của nhiều học giả là một yêu cầu mang tính cấp thiết để người dân có thể nhận thức rõ hơn các quy định pháp luật của nhà nước.
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I – Mồ mả
Trong gia đình người Việt Nam việc lo hương khói cho tổ tiên, chăm lo mồ mả cho những người thân đã chết là một trong những phong tục truyền thống lâu đời, được truyền từ đời này sang đời khác và công việc đó như ăn sâu vào trong nếp nghĩ của mỗi con người như là một nghĩa vụ, là trách nhiệm vậy. Việc xây cất mồ mả cho những người thân đã chết thể hiện sự tôn trọng, thể hiện tình cảm của người sống đối với người đã khuất và mong muốn người đã khuất "phù hộ độ trì" cho con cháu ăn nên làm ra.
Theo định nghĩa trong từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Nhà xuất bản Đà Nẵng xuất bản thì: "Mồ mả là nơi chôn cất người chết (trang 638)". Theo định nghĩa này, mồ mả chỉ một địa điểm, một khu vực dùng để chôn cất người chết. Nội hàm của khái niệm này bị bó hẹp, chưa bao quát được các trường hợp khác như việc chôn cất hài cốt.
Pháp luật dân sự Việt Nam hiện nay cũng như các ngành luật khác chưa có khái niệm mồ mả. Tại nghị định số 35/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25 tháng 3 năm 2008 về xây dựng, quản lí và sử dụng nghĩa trang có khái niệm "phần mộ cá nhân là nơi táng thi hài, hài cốt của một người (Khoản 4 Điều 2)".
Thực tế có thể thấy khái niệm "mồ mả" là khái niệm ghép của hai khái niệm "mồ" và "mả". Có thể hiểu "mồ" là nơi táng hài cốt của một người, trong từ điển tiếng Việt thì "mả" được hiểu theo hai nghĩa: thứ nhất, "mả: chỗ chôn người chết được đắp cao"; Thứ hai, "mả: khả năng làm được việc gì đó hay xảy ra sự việc gì đó được coi là do tác động của thế đất nơi có mồ mả, tổ tiên, theo mê tín", theo khái niệm này thì "mả " là khái niệm mang tính tâm linh, mê tín rất lớn. Bộ luật dân sự năm 2005 không bóc tách hai khái niệm này mà ghép chung thành khái niệm khái niệm mồ mả. Thực tế nếu bóc tách hai khái niệm này cũng rất khó bởi ở một số vùng miền, tục chôn cất người chết được thực hiện một lần, không có tục bốc mộ nên khó có thể phân biệt được "mồ" và "mả".Sự bóc tách như vậy trong quy dịnh của pháp luật có thể sẽ dẫn tới nhiều khó khăn trong việc áp dụng pháp luật, nên các quy định của pháp luật hiện hành không có sự bóc tách, phân biệt như vậy là phù hợp.
Đa số ở các nơi đều có phong tục lập mồ mả cho người chết, theo Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính: "Người mất, sau ba năm đoạn tang rồi hoặc một vài năm nữa thì con cái lo việc cải táng", như vậy, người Việt có phong tục cải táng người chết. Tuy nhiên, ở mỗi vùng miền khác nhau lại có những cách thức mai táng khác nhau như tục chôn người chết theo mả của dân tộc J'rai ở tỉnh Gia Lai, tục hỏa táng trong tang lễ của người Thái ở tỉnh Yên Bái,... Tuy mỗi vùng có một phong tục khác nhau nhưng hầu hết các dân tộc ở các vùng khác nhau đều có tục lập mồ mả cho những người thân thích sau khi chết. Hiện nay, ở nước ta có nhiều cách thức táng người chết khác nhau như: mai táng, hỏa táng, hung táng và các hình thức mai táng khác nhau. Ở mỗi địa phương khác nhau, mỗi vùng miền, mỗi dân tộc khác nhau lại có những cách thức mai táng khác nhau; có nơi chôn cất một thi hài vĩnh viễn trong lòng đất như người Thái ở Tương Dương (Nghệ An), người Tày ở Cao Bằng; hay phương thức hỏa táng mà ngày nay ở nhiều địa phương vẫn áp dụng,... và có địa phương thì có hình thức cải táng, tức là sau khi chôn người chết xuống đất trong một khoảng thời gian nhất định sẽ chuyển xương cốt của người chết sang một nơi khác hoặc cho vào những vật dụng khác rồi mới xây đắp thành những ngôi mộ kiên cố. Với các cách mai táng khác nhau như trên, một số người dễ bị nhầm lẫn và quan niệm mồ mả bao gồm cả xương cốt, hài cốt bên trong,... Do vậy cần làm rõ khái niệm mồ mả để khi có xảy ra tranh chấp các vấn đề liên quan đến mồ mả, các cơ quan chức năng sẽ dễ dàng giải quyết hơn, đồng thời cũng là phương pháp giúp cho mọi người dân hiểu được các quy định của pháp luật và tránh được các hành vi xâm phạm tới mồ mả.
Trong thực tế áp dụng pháp luật, mồ mả được hiểu là những vật chất bên ngoài chứa đựng hài cốt, thi thể của người đã chết ở bên trong. Mồ mả không bao gồm hài cốt thi thể của những người đã chết. Như vậy, mồ mả và thi thể, hài cốt có mối liên hệ với nhau những không thể đồng nhất hai khái niệm này. Mồ mả là vật chất chứa đựng hài cốt, thi thể và một vật chất chỉ được coi là mồ mả khi nó chưa đựng thi thể, hài cốt của người đã chết. Ở một số nơi có phong tục thờ vong, tức là khi không thể tìm được thi thể, hài cốt của người đã chết thì những người thân của người đó thường lập nên một nơi gọi là "mồ mả", việc làm này có ý nghĩa tâm lý rất lớn, đó cũng thể hiện sự tôn trọng của họ đối với người đã khuất, như là để họ không cảm thấy có lỗi đối với người đã mất. Tuy nhiên, hình thức này không được coi là mồ mả.
Cần phân biệt khái niệm "mồ mả" với khái niệm "mộ", theo từ điển tiếng Việt thì "mộ (theo nghĩa thứ nhất) là nơi chôn cất, nơi chôn cất tượng trưng người chết, được đắp hoặc xây cao hơn xung quanh". Như vậy, trong một góc độ nào đó, khái niệm "mộ" rộng hơn hái niệm "mồ mả" bởi mộ có thể hiểu là nơi chôn cất tượng trưng, tức là hình thức thờ vong như trên; còn mổ mả thì không có hình thức này.
1. Những vấn đề chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được bộ luật dân sự năm 2005 quy định tại Điều 307 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung và chương XXI về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên cả hai phần này đều không nêu rõ khía niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà chỉ nêu ra các căn cứ phát sinh trách nhiệm, nguyên tắc bồi thường, năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại,... Trong khoa học pháp lí có nhiều khái niệm về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được đưa ra, theo Giáo trình luật dân sự của trường Đại học Luật Hà Nội thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại thể hiện trong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại được gọi là trách nhiệm bòi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, để phân biệt với trách nhiệm theo hợp đòng. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại hay bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại quan hệ dân sự, trong đó người xâm phạm tính mang, sức khỏe, danh dự, nhân phảm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường những thiệt hại do mình gây ra. Mỗi người sống trong xã hội đều phải tôn trọng các quy tắc chung, không thể vì lợi ích của mình mà xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Một người gây thiệt hại cho người khác thì phải chịu hậu quả bất lợi do hành vi của mình gây ra. Sự gánh chịu hậu quả bất lợi bằng việc bù đắp tổn thất cho người khác được gọi là bồi thường thiệt hại.
Như vậy, có thể hiểu trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một loại trách nhiệm pháp lí phát sinh dựa trên các điều kiện do pháp luật quy định khi một chỉ thể có hành vi gây thiệt hại cho khách thể mà pháp luật bảo vệ, theo đó người gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại mà mình gây ra cho người khác.
Qua việc phân tích khái niệm mồ mả và khái niệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, có thể thấy hành vi trái pháp luật xâm phạm tới nơi chôn cất thi thể, hài cốt của người chết có thể sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả là một loại của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Giả sử hành vi vi phạm các cam kết, thỏa thuận liên quan đến chôn cất, trùng tu mồ mả giữa một chủ thể nào đó đối với những người có quyền đối với mồ mả thì đây là trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo hợp đồng. Hành vi xâm phạm mồ mả luôn là hành vi thể hiện dưới dạng hành động và có lỗi của người thực hiện hành vi xâm phạm.
Như vậy, có thể khái quát về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả như sau: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả là một loại trách nhiệm pháp lí, theo đó người có hành vi trái pháp luật xâm phạm tới mồ mả phải bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra.
2. Những quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả
2.1 Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi thỏa mãn các căn cứ do pháp luật quy định. Bộ luật dân sự năm 2005 không quy định các căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả, tuy nhiên chúng ta có thể dựa trên những cơ sở phát sinh trách nhiệm được đề cập tại Điề 307 và 604 Bộ luật dân sự năm 2005. Theo đó có bốn căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, đó là các căn cứ về có thiệt hại xảy ra, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra và có lỗi của người gây thiệt hại.
* Thứ nhất, có thiệt hại xảy ra
Thiệt hại xảy ra là điều kiện bắt buộc đầu tiên để xem xét có phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả hay không. Mục đích của việc áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại là khôi phục lại tình trạng tài sản cho người bị thiệt hại hoặc bù đắp những tổn thất do tính mang, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm. Thiệt hại có ý nghĩa rất quan trọng trong việc xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trong pháp luật dân sự thì có thể nói rằng không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi không có thiệt hại nào xảy ra.
Theo Nghị quyết hướng dẫn của Hội đông Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao số 03/2006/NQ-HĐTP thì thiệt hại được xác định như sau:
- Thiệt hại về vật chất: Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, cụ thể là mất tài sản, giảm sút giá trị tài sản,... Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe làm phát sinh thiệt hại về vật chất bao gồm chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc; thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút do thiệt hại về tính mạng, sức khỏe,...
- Thiệt hại về tinh thần là sự đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mất đi uy tín, sự tín nhiệm, lòng tin,... đây là những giá trị về mặt tinh thần, không thể trị giá được bằng tiền theo nguyên tắc ngang giá và không thể khôi phục lại được. Pháp luật quy định việc bồi thường tổn thất về tinh thần nhằm mục đích an ủi, động viên người bị thiệt hại, đồng thời cũng như là một biện pháp nhằm giáo dục, ngăn chặn những người có hành vi trái pháp luật xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
Trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả thì thiệt hại cũng là yếu tố đầu tiên cần được xác định, vấn đề này được thể hiện rõ tại Điều 629: "Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác gây thiệt hại đến mồ mả của người khác thì phải bồi thường". Thiệt hại do hành vi xâm phạm mồ mả gồm những thiệt hại như: thiệt hại do mồ mả bị sụt lún, do mồ mả bị san lấp hay thiệt hại do một phần mồ mả bị xâm phạm như hư hỏng bia ghi tên người chết (mộ chí) gây nhầm lẫn cho người chết.
* Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật
Bảo vệ mồ mả của người chết cho dù ở bất cứ xã hội nào cũng luôn được quan tâm, vì mồ mả gắn với yếu tố phong tục, tập quán, tín ngưỡng và tôn giáo. Việc chăm lo mồ mả cho đến bây giờ vẫn còn tiếp diễn, hằng năm cứ vào tháng ba âm lịch, con cháu dù đi làm ăn xa quê hay đi học xa nhà đều trở về quê hương để làm một việc được coi là có ý nghĩa nhất đối với tổ tiên đó là tảo mộ trong tiết Thanh minhTất cả những việc làm đó cho thấy người Việt Nam luôn chăm lo đến mồ mả của tổ tiên và những hành vi xâm phạm mồ mả trước hết trái với đạo đức, phong tục của dân tộc, đồng thời cũng trái với quy định của pháp luật. Pháp luật nước ta luôn có những quy định bảo vệ mồ mả, xâm phạm mồ mả là một tội danh được quy định tại Điều 246 của Bộ luật hình sự; không dừng lại ở đó, Bộ luật dân sự năm 2005 cũng quy định về bôi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả. Như vậy, người thực hiện hành vi xâm phạm  mồ mả không chỉ bị xử lí hình sự, bị xã hội lên án mà còn phải chịu trách nhiệm dân sự.
Thông thường, hành vi xâm phạm mồ mả trái pháp luật được thể hiện dưới những dạng hành động sau:
- Xâm phạm trực tiếp đến mồ mả như di chuyển vị trí mồ mả mà không được sự đồng ý của thân nhân người đã chết; đào bới mồ mả; khai quật mồ mả trái pháp luật, trái với ý chí của những người thân thích của người chết,...
- Hành vi đổ phế thải, phế liệu, các chất uế tạp lên ngôi mộ hoặc xung quanh ngôi mộ.
- Hành vi gây nhầm lẫn đối với người thân thích của người chết, san lấp mồ mả, làm mất dấu tích của ngôi mộ, làm cho những người thân thích khồn xác định được vị trí của ngôi mộ đó.
- Hành vi thay đổi tấm bia ghi tên người chết, đập phá mồ mả, bia đá,...
- Hành vi xâm phạm đến không gian, hình dáng ngôi mộ, tường rào bao bọc xung quanh ngôi mộ,...
Hành vi xâm phạm mồ mả không chỉ vi phạm quy định cảu pháp luật mà còn trái với đạo đực xã hội, trái với phong tuc, truyền thống của dân tộc. Những hành vi xâm phạm mồ mả trái pháp luật nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Những hành vi của cơ quan chức năng có thẩm quyền như khai quật mộ để khám nghiệm tử thi, di dời ngôi mộ vì một lí do chính đáng nào đó, đưa mộ liệt sĩ về nghãi trang,... thì không phải là hành vi trái pháp luật xâm phạm mồ mả theo quy định của pháp luật và không phải bồi thường. Ngoài ra theo quy định của pháp luật cũng như trong thực tế áp dụng pháp luật khi xác định hành vi xâm phạm mồ mả cần phải phân biệt với những hành vi bịa đặt những thông tin thất thiệt gây tổn hại đến danh dự của người có mồ mả, tạo ra những dư luận không có lợi hoặc làm giảm uy tín, danh dự của người có mồ mả, bịa đặt những giai thoại xung quanh ngôi mộ,... Những hành vi này cũng thuộc trách nhiệm dân sự, những không thuộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả.
* Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra
Trong khoa học pháp lí, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra được hiểu là có mối liên hệ nội tại, tất yếu. Thiệt hại xảy ra là kết quả của hành vi trái pháp luật, hay nói cách khác chỉ khi nào hậu quả xảy ra là hậu quả tất yếu của hành vi vi phạm pháp luật thì người thực hiện hành vi đó mới phải bồi thường.
Khi xem xet mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật xâm phạm mồ mả và thiệt hại cần đảm bảo các yêu cầu sau:
- Nguyên nhân và kết quả mang tính khách quan, quan hệ nhân quả nằm trong bản thân sự vật, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người; tức là mối quan hệ giữa hành vi trái pháp luật xâm phạm mồ mả và thiệt hai có tính khách quan.
- Mọi sự vật, hiện tượng đều có nguyên nhân nhất định gây ra. không có hiện tượng nào không có nguyên nhân, chỉ có điều là nguyên nhân đó đã được nhân thức, đã nhận thức được hay chưa mà thôi. Như vây, không thể nói thiệt hại về mồ mả là không có nguyên nhân gây ra, nếu nguyên nhân gây ra thiệt hại đó là hành vi của con người thì người thực hiện hành vi đó phải bồi thường thiệt hại
- Hành vi xâm phạm mồ mả là hành vi có trước về mặt thời gian và thiệt hại về mồ mả luôn luôn có sau bởi thiệt hại là do hành vi trái pháp luật gây ra.
Như vậy, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật xâm phạm mồ mả và thiệt hại xảy ra là mối liên hệ tất nhiên, tuân theo quy luật khách quan. Việc phân tích, đánh giá tất cả các sự kiện có liên quan một cách thận trọng, khách quan và toàn diện để có thể kết luận chính xác về nguyên nhân, từ đó xác định đúng kết quả buộc người có hành vi gây thiệt hại phải bồi thường. Làm tốt được điều này sẽ giúp cho những người làm công tác xét xử đưa ra được những kết luận chính xác về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả.
* Người gây thiệt hại có lỗi
Trong khoa học pháp lí, lỗi được coi là thái độ tâm lí của con người đối với hành vi và hậu quả của hành vi do mình gây ra, lỗi được biểu hiện dưới dạng cố ý hoặc vô ý.
Theo quy định tại Điều 604 Bộ luật dân sự năm 2005 thì "Người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý ... mà gây thiệt hại thì phải bồi thường". Khoản 2 Điều 308 Bộ luật dân sự năm 2005 có quy định: cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi cảu mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho thiệt hại đó xảy ra. Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hai nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.
Trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì người gây thiệt hại dù có lỗi cố ý hay vô ý cũng phải bồi thường vì mỗi người khi thực hiện một hành vi phải ý thức được hành vi đó có đúng pháp luật hay không, có gây thiệt hại hay không. Lỗi là một trong bốn điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả nói riêng.
Việc xác định và phân biệt lỗi cố ý hay lỗi vô ý còn có ý nghĩa trong việc xác định mức bồi thường. Trường hợp xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại sẽ không đặt ra vấn đề bồi thường. Nếu người bị thiệt hại và người gây thiệt hại cùng có lỗi thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thương thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình. Người gây thiệt hại do lỗi vô ý có thể được giảm mức bồi thường nếu thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của họ.
2.2 Xác định thiệt hại
Thiệt hại là điều kiện tiên quyết đề làm phat sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả. Xác định thiệt hại là một việc làm hết sức khó khăn và phức tạp. Trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả, tại Điều 629 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: "Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác gây thiệt hại đến mồ mả của người khác thì phải bồi thường. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lí để hạn chế, khắc phục thiệt hại". Ở điều này không quy định rõ ràng thiệt hại gồm những gì, chúng ta cần xác định rõ thiệt hại trong trường hợp này là thiệt hại về vật chất. Mặc dù trong thực tế khi có hành vi xâm phạm mồ mả thì những người thân thích của người chết cũng bị ảnh hưởng về tinh thần do yếu tố tâm linh của người Việt Nam quan niệm về mồ mả. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên cũng như theo Điều 629 của Bộ luật dân sự thì thiệt hại về tài sản do hành vi trái pháp luật xâm phạm mồ mả là phần tài sản liên quan đến những chi phí hợp lí để hạn chế, khắc phục thiệt hại. Tính hợp lí khi xác định thiệt hại về tài sản liên quan đến mồ mả của người bị xâm phạm được xác định trên cơ sở những thiệt hại thực tế. Những thiệt hại này có thể tính toán được thành một số tiền nhất định. Có thể khá quát thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm những khoản sau:
- Chi phí mua vật liệu xây dựng mồ mả. Những vật liệu đó có thể là đá nhân tạo, đá tự nhiên, cát, vôi, xi măng, sát thép, sơn bia đá, tấm lợp, ngói,... những vật liêu này được dùng vào việc xây dựng mồ mả hoặc dùng để tu sửa mồ mả sau khi bị hành vi trái pháp luật xâm phạm mồ mả.
- Chi phí thuê nhân công xây dựng, sủa chữa lại những hư hỏng, thiệt hại mà người gây thiệt hại gây ra.
- Chi phí hợp lí để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại: người bị thiệt hại đã bỏ ra những chi phí để nhằm ngăn chăn, khắc phục thiệt hại, ví dụ như xây tường rào tạm thời để bảo vệ khỏi bị súc vật xâm hại, xây kè tránh bị sụt lún... sau khi có hành vi trái pháp luật xâm phạm mồ mả.
- Ngoài những chi phí trực tiếp trên, người gây thiệt hại còn phải bồi thường những chi phí gián tiếp do hành vi xâm phạm trái pháp luật mồ mả của mình như trong trường hợp mồ mả bị hư hỏng, không thể sử dụng đúng mục đích, hay những chi phí để bảo quản thi thể, hài cốt sau khi mồ mả bị xâm phạm; những chi phí đó có thể là thuê địa điểm trong nhà xác để bảo quản, chi phí thuê người vận chuyển,...
Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả  cũng theo nguyên tắc bồi thường toàn bộ, nghĩa là thiệt hại xảy ra bao nhiêu phải bồi thường với mưc tương ứng với thiệt hại đó. Giá trị tài sản không thống nhất giữa các thời điểm nên khi xác định giá trị thiệt hại về tài sản cần lưu ý xác định giá trị thực tế của tài sản tại thời điểm Tòa án xét xử để buộc người gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.
II - Thực tiễn giải quyết vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả.
1. Những vướng mắc khi giải quyết vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả
* Mồ mả là khách thể được pháp luật bảo vệ không chỉ trong bộ luật dân sự mà còn cả trong bộ luật hình sự. Nhưng hiện tại thì chưa có một văn bản pháp luật nào hướng dẫn cụ thể về khái niệm mồ mả. Điều này gây khó khăn cho công tác xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp "thờ vong", làm mộ để an tâm về tâm lý, trong mộ không chôn cất thi thể, hài cốt.
Hiện nay việc chôn cất, mai táng có rất nhiều hình thức khác nhau như điện táng, hỏa táng,... như vậy việc bỏ tro hài cốt vào bình, lọ thì bình, lọ đó có được xem là mồ mả hay không. Đây là một câu hỏi vẫn đang bị bỏ ngỏ khi chưa có một văn bản pháp luật nào quy định cụ thể, thống nhất về nó cả.
* Bộ luật dân sự nảm 2005 đã có sự phát triển, hoàn thiện hơn khi đưa ra chế định bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả. Tại Điều 629 quy định: "... Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lí để khắc phục hậu quả, thiệt hại"; ở đây bộ luật chỉ quy định một cách chung chung là "chi phí hợp lí để hạn chế, khắc phục hậu quả". Vậy, chi phí như nào được gọi là hợp lí, chi phí hợp lí bao gồm những khoản nào,... vấn đề này cũng cần được phải được các cơ quan hướng dẫn luật có những quy định cụ thể hơn để việc áp dụng pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền được hiệu quả và thống nhất.
* Cho đến nay, vẫn chưa có một văn bản pháp luật nào quy định cho Tòa án nhân dân hay Ủy ban nhân dân giải quyết những tranh chấp về bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả cũng như tranh chấp về mồ mả, hài cốt. Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến quyền lọi của người dân khi có mồ mả trên phần đất thuộc quyền sử dụng của người khác. Khi có quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền mà trên phần đất có mồ mả, thân nhân người có mồ mả không chịu di dời mồ mả và người được giao đất di dời thì có được coi là xâm phạm mồ mả hay không, trong khi họ là người sử dụng hợp pháp mảnh đất đó. Khi tranh chấp đất đai mà trên phần đất đó có mồ mả thì giải quyết theo hướng nào, điều này vẫn chưa có quy định cụ thể nên các cơ quan chức năng thật khó giải quyết được một cách triệt để.
* Một trường hợp thường xảy ra trong thực tế đó là người chết có nhiều người thân thích, những người thân đặc biệt là các con đều muốn di dời mồ mả của cha mẹ đến gần nơi mình ở nhưng không được sự thống nhất với nhau. Việc một trong những người con di dời mồ mả trong trường hợp này có được coi là xâm phạm mồ mả hay không và trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu xảy ra thì giải quyết như thế nào, vấn đề này pháp luật cũng chưa có quy định.
Khi những người thân thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm thì yếu tố tinh thần của họ bị ảnh hưởng rất lớn. Bởi quan niệm của người Việt nếu mồ ảm xảy ra chuyện thì sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của con cháu. Khi mồ mả bị xâm phạm ("động mả") thì con cháu sẽ gặp chuyện chẳng lành, hay gặp ốm đau, bệnh tật và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Một hiện tượng tự nhiên đó là mộ tự nhiên cứ to dần ra theo thời gian ("mộ kết"), hiện tượng này được người dân quan niệm đó là điềm lành, chỉ rằng con cháu của người đã chết ở trong mộ đó sẽ được phù hộ, làm ăn phát đạt. Những quan niệm này về mồ mả của người dân rất ảnh hưởng đến tâm lí, cuộc sống của họ, chính vì vậy mà những hành vi xâm phạm mồ mả luôn bị xã hội lên án gay gắt và trái với quy định của pháp luật.
2. Những phương hướng hoàn thiện pháp luật bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả.
Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2005 ghi nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả có ý nghĩa vô cùng quan trong, bởi nó tạo cơ sở pháp lí vững chắc cho việc giải quyết bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả. Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng những quy định đó chưa được hướng dẫn một cách cụ thể nên cũng còn nhiều khó khăn trogn việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả. trong thời gian tới cần có những hướng dẫn cụ thể ở những điểm sau:
- Xác định hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm là việc cần thiết để có thể xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Cần có hướng dẫn cụ thể về việc xác định hành vi nào là hành vi xâm phạm mồ mả trái pháp luật.
- Cần có hướng dẫn xác định thiệt hại do mồ mả bị xâm phạm theo hướng xác định thiệt hại theo giá cả, phong tục tập quán của địa phươn nhưng không chấp nhận bồi thường những chi phí không liên quan đến mồ mả. Trong trường hợp mồ mả bị xâm phạm gây ra những tổn thất nặng nề về tinh thần và tâm lí của người thân thích thì khi xác định thiệt hại do mồ mả bị xâm phạm cần xác định cả những thiệt hại tinh thần cho người bị thiệt hại.
- Đối với tranh chấp đất đai trên đó có mồ mả chưa quy định rõ thẩm quyền giải quyêt nếu cả Tòa án và chính quyền địa phương đều từ chối giải quyết khi có tranh chấp sẽ làm cho quyền lợi của người dân không được bảo đảm. Nên xem đây là một dạng tranh chấp dân sự và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án chứ không quy định thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án hay chính quyền địa phương như hiện nay. Để làm được điều này thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải nghiên cứu và đưa ra những hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền, đường lối xử lí làm căn cứ pháp luật để áp dụng vào trong thực tế.

KẾT THÚC VẤN ĐỀ
Mồ mả là nơi chôn vất thi thể, hài cốt hoặc tro hài của cá nhân. Mồ mả của cá nhân gắn liền với nhân thân của người đó. Bảo vệ mồ mả của cá nhân cho dù ở bất kỳ xã hội nào cũng đều được quan tâm, chú ý theo tín ngưỡng, phong tục, tôn giáo pháp luật. Pháp luật của nhà nước ta luôn có những quy định bảo vệ mồ mả cá nhân, ngăn chặn và trừng trị thích đáng những người cố ý xâm phạm mồ mả của cá nhân.






















Danh mục tài liệun tham khảo
1.     Giao trình Luật dân sự, trường Đại học Luật Hà Nội
2.     Bộ luật dân sự 2005.

1 nhận xét:

  1. Nhờ anh (chị) phân tích trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể...

    Trả lờiXóa